Mỹ đang tính toán gì khi Hàn - Triều “phá băng” căng thẳng?

Hà Kim (Theo Reuters)| 11/01/2018 15:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên hội đàm cấp cao lần đầu tiên sau thời gian dài căng thẳng, Mỹ được cho là cũng có những tính toán riêng để đối phó với Bình Nhưỡng với tư cách là đồng minh của Seoul.

Theo đó, Mỹ đã dành lời khen ngợi sau khi Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên trong hơn hai năm “đóng băng” quan hệ và nhấn mạnh đây là bước khởi đầu tốt đẹp cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ ý muốn tham gia vào các cuộc hội đàm tương tự trong tương lai, song Washington cũng muốn nội dung các cuộc hội đàm đó phải tập trung vào việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, dù đây là điều Bình Nhưỡng không bao giờ chấp nhận.

Về phần mình, Tổng thống Donald Trump nhận định cuộc gặp mặt trực tiếp giữa các quan chức cấp cao của Triều Tiên và Hàn Quốc là “điều tốt đẹp”. Ông Trump tuyên bố sẵn sàng trao đổi với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào thời điểm thích hợp. Trong khi đó, Nhà Trắng vẫn thận trọng trong tuyên bố chính thức khi không tỏ ra bất bình với lập trường hòa hoãn của đồng minh Hàn Quốc với Triều Tiên, và cũng không thỏa hiệp với lập trường từ trước đến nay của Mỹ đó là Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Mỹ đang tính toán gì khi Hàn - Triều “phá băng” căng thẳng?

Mỹ đang tính toán gì khi Hàn - Triều “phá băng” căng thẳng?

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, Mỹ vẫn duy trì tham vấn chặt chẽ với các quan chức Hàn Quốc, những người có trách nhiệm đảm bảo rằng việc phái đoàn Triều Tiên tham gia Thế vận hội Mùa đông sẽ không vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo bất hợp pháp của Triều Tiên.

Từ trước đến nay, Mỹ vẫn duy trì lập trường rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể diễn ra với Bình Nhưỡng phải nhắm tới mục tiêu xóa bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Cho nên sự tan băng trong quan hệ Hàn - Triều cũng không làm thay đổi lập trường này.

Kết quả từ cuộc hội đàm lần này cũng cho thấy Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này mặc dù “xuống thang” với Hàn Quốc đi chăng nữa.

Tại cuộc hội đàm, trưởng đoàn đại diện của hai nước đã nhất trí sẽ tiếp tục gặp mặt để giải quyết các vấn đề chung và tránh nguy cơ xảy ra xung đột bất ngờ trong bối cảnh Triều Tiên từng cảnh báo về khả năng phóng tên lửa hạt nhân tới Mỹ. Mặc dù vậy, Bình Nhưỡng khẳng định từ bỏ vũ khí hạt nhân không nằm trong số các chủ đề thảo luận với Hàn Quốc.

Ông Ri Son Gwon, Chủ tịch Ủy ban Thống nhất hòa bình liên Triều và là trưởng phái đoàn Triều Tiên nhấn mạnh, vũ khí hạt nhân không phải là vấn đề cần đưa ra bàn thảo giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Do vậy việc nêu vấn đề này ra trong cuộc hội đàm với Hàn Quốc có thể gây ra những hậu quả tiêu cực và có nguy cơ biến tất cả những thành tựu tốt đẹp mà hai nước đã đạt được trong cuộc hội đàm thành con số 0.

Theo một trong số các quan chức của chính phủ Mỹ, những người được tiếp cận với các báo cáo mật về kế hoạch đối phó của Mỹ với Triều Tiên cho rằng, cuộc hội đàm Hàn - Triều nhiều khả năng đi theo “lối mòn” ngoại giao từng diễn ra trước đây, trong đó Triều Tiên sẽ được hưởng lợi từ các khoản viện trợ lương thực cũng như các khoản viện trợ khác, song rốt cuộc vẫn không chịu từ bỏ chương trình hạt nhân.

Một quan chức khác lại cho biết, cuộc hội đàm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có thể tạo ra một mối nguy hiểm khác cho Mỹ khi Bình Nhưỡng tìm cách lợi dụng cuộc hội đàm này để chia rẽ mối quan hệ đồng minh lâu năm giữa Seoul và Washington.

Nhưng giới phân tích nhận định, Hàn Quốc có thể sẽ phải tìm cách để cân bằng mối quan hệ với cả Triều Tiên và Mỹ trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay. Khó có thể tưởng tượng rằng Hàn Quốc sẽ đưa ra bất kỳ bước đột phá hay thay đổi nào về chính sách trong những vấn đề lớn mà không xin ý kiến tham vấn của Mỹ.

Xét về lịch sử, Hàn Quốc từ lâu đã duy trì liên minh quân sự mạnh mẽ với Mỹ và được hưởng lợi đáng kể từ việc trở thành đối tác thương mại thân cận với Washington. Seoul cũng luôn phải cảnh giác với các chiến thuật thay đổi “chóng mặt” của Triều Tiên. Vì thế, cuộc hội đàm ngày 9/1 có lẽ chỉ là cơ hội để Hàn Quốc thăm dò quan điểm của Triều Tiên và Washington có lẽ không cần quá lo lắng về cuộc hội đàm lần này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ đang tính toán gì khi Hàn - Triều “phá băng” căng thẳng?