Liệu Trump có tính toán sai khi cởi bỏ giới hạn cho tướng lĩnh quân đội?

Hà Kim| 22/04/2017 09:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tướng lĩnh quân đội dưới thời Trump có thể thoải mái hơn khi đưa ra các quyết định song song với hành động của họ, nhưng nếu không được tính kỹ, thì việc làm đó sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm rối loạn thông điệp chính trị Washington truyền đi.

Trái ngược với người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ Trump nhấn mạnh ông không muốn tham vấn mọi cuộc tấn công và các tướng lĩnh trên chiến trường nên có nhiều thẩm quyền hơn để phản ứng trước kẻ thù một cách nhanh chóng.

Nhưng giới quan sát nhận định, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump loại bỏ các giới hạn đối với quân đội, vốn được đặt ra từ thời người tiền nhiệm Barack Obama, nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, mang đến nguy cơ xảy ra những sai lầm mang tính chiến lược nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của họ.

Theo New York Times, khi đô đốc Harry B. Harris Jr., chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, ra lệnh cho tàu sân bay Carl Vinson "tiến về hướng bắc" từ Singapore hôm 8/4, ông dường như chỉ tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất là nhanh chóng đưa cụm tàu sân bay tấn công của Mỹ tới gần bán đảo Triều Tiên để thị uy sức mạnh trước một Bình Nhưỡng ngày càng hiếu chiến.

Liệu Trump có tính toán sai khi cởi bỏ giới hạn cho tướng lĩnh quân đội?

Liệu Trump có tính toán sai khi cởi bỏ giới hạn cho tướng lĩnh quân đội?

Tuy nhiên sau đấy, các quan chức Mỹ làm rõ lại rằng tàu USS Carl Vinson sẽ đến tham gia huấn luyện với hải quân Australia trước khi bắt đầu hành trình áp sát Triều Tiên. Trước đó, những hình ảnh do hải quân Mỹ công bố cho thấy tàu USS Carl Vinson đi về hướng ngược với bán đảo Triều Tiên. Đến tối 18/4, một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho hay có hiểu lầm giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, dẫn đến tình trạng phát sinh thông tin thiếu nhất quán về hành trình của tàu USS Carl Vinson.

Nhà Trắng dường như cũng không nắm rõ vị trí của cụm tàu sân bay USS Carl Vinson vào thời điểm thư ký báo chí Sean Spicer hay cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster bình luận công khai về sự việc. Các quan chức Nhà Trắng tiết lộ hai ông đều chỉ dựa trên những thông tin do Lầu Năm Góc cung cấp.

4 ngày sau, khi tướng John W. Nicholson Jr. lại thả quả siêu bom trị giá 16 triệu USD vào một mục tiêu Nhà nước Hồi giáo (IS) ở phía đông Afghanistan, ông không chỉ khiến dư luận thế giới chú ý đến sức mạnh kho vũ khí Mỹ mà còn gửi đi thông điệp tới Tổng thống Syria Bashar al-Asad và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng, họ không nằm ngoài khả năng trở thành mục tiêu tiếp theo của thứ vũ khí mệnh danh "mẹ bom" này.

Nhưng giới chức Mỹ hôm 20/4 cho hay, tướng Nicholson đã không xin phép Tổng thống Trump, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hay chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph F. Dunford trước khi thả siêu bom xuống Afghanistan.

Theo một số quan chức Mỹ, tướng Nicholson có thẩm quyền cần thiết để điều máy bay dội bom mục tiêu IS ở Afghanistan từ thời Obama. Song các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, kể cả người đương chức lẫn đã về hưu, đều cho rằng nếu tổng thống Obama còn điều hành, ông Nicholson có lẽ sẽ phải thông qua ý kiến cấp trên trước khi ra lệnh oanh tạc bởi Nhà Trắng dưới thời Obama đã nêu rõ với Lầu Năm Góc rằng tổng thống muốn được tham vấn về các quyết định tấn công quan trọng.

Và cuối cùng, thay vì đạt được các mục tiêu chiến lược, thì thời điểm hai ông Harris và Nicholson hành động lại khiến các quan chức cấp cao ở Lầu Năm Góc bất ngờ, làm đồng minh hoang mang, khiến Nhà Trắng rơi vào bối rối.

Đặc biệt là vụ việc liên quan đến tàu sân bay USS Carl Vinson, nhiều quan chức Lầu Năm Góc nhận xét sự cố lần này là một điều xấu hổ đối với Mỹ và tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tới lợi ích cũng như hình ảnh của Washington trên thế giới, khiến cộng đồng quốc tế đánh mất niềm tin vào những chính sách mà ông Trump đưa ra.

Qua đây cho thấy một thực tế là, ngay cả các tướng lĩnh 4 sao giàu kinh nghiệm vẫn có thể thất bại trong việc cân nhắc tới những hệ quả chính trị hay ảnh hưởng sâu xa hơn của các quyết định trên chiến trường.

Giới phân tích lại lại đánh giá, có thể  sự thiếu nhất quán về thông tin đưa ra giữa Lầu Năm Góc và Nhà Trắng một phần bắt nguồn từ thực tế là sau ba tháng Trump làm tổng thống Mỹ, bộ máy chính quyền của ông vẫn chưa ổn định.

Andrew Exum, quan chức hàng đầu về chính sách Trung Đông tại Lầu Năm Góc bình luận, "Một khi những người được bổ nhiệm từ chính quyền trước đây rời đi, cán cân sức mạnh tại Lầu Năm Góc luôn nghiêng về phía các quan chức quân sự hơn là dân sự".

Ông Exum nhấn mạnh, "Điều này không hẳn nguy hiểm nhưng nếu đội ngũ nhân sự chính quyền mới chưa hoạt động trơn tru, bạn nhiều khả năng sẽ bỏ qua bước giám sát chính sách mà đôi khi có thể giúp các chỉ huy trên chiến trường suy nghĩ thấu đáo về tác động chính trị cũng như ảnh hưởng chiến lược của hành động".

Hôm qua, khi được hỏi về việc tướng Nicholson có thảo luận với ông trước khi ra quyết định ném bom ở Afghanistan không, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cho biết họ "luôn xem xét mọi ảnh hưởng chiến lược trong từng hành động".

Tại Tel Aviv, Israel, phát biểu trước các phóng viên, Bộ trưởng Mattis khẳng định về cơ bản, ông luôn được báo về các động thái quân sự ở Afghanistan nhưng thêm rằng "bạn cũng cần ủy thác cho ai đó".

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liệu Trump có tính toán sai khi cởi bỏ giới hạn cho tướng lĩnh quân đội?