Trong phiên họp khẩn của Liên đoàn Arab diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực. Lebanon đã kêu gọi các nước Arab cần cân nhắc áp lệnh trừng phạt kinh tế Mỹ nhằm ngăn nước này dời đại sứ quán tới Jerusalem.
Theo hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập, Liên đoàn Arab vừa quyết định tổ chức một phiên họp khẩn ở cấp Bộ trưởng ngoại giao ngày hôm qua 9/12, để thảo luận về hành động của Liên đoàn Arab liên quan đến việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Phiên họp khẩn của Liên đoàn Arab diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo ngược chính sách của Mỹ về Trung Đông kéo dài nhiều thập kỷ qua với việc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Trong vài ngày gần đây, các cuộc biểu tình phản đối Mỹ diễn ra liên tiếp ở Bờ Tây và dải Gaza. Liên đoàn Arab và hầu hết các quốc gia Arab đã liên tục cảnh báo về những hậu quả nguy hiểm từ quyết định của Mỹ đối với hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực Trung Đông, cũng như những rào cản cho tiến trình giải quyết xung đột Palestine - Israel.
Ngoại trưởng Lebanon Gebran Bassil
Phát biểu tại cuộc họp cấp Ngoại trưởng của Liên đoàn Arab tại Cairo, Ai Cập, Ngoại trưởng Lebanon Gebran Bassil kêu gọi, các nước Arab cần xem xét việc áp dụng trừng phạt kinh tế đối với Mỹ để phản đối việc Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cũng như việc chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem.
Ông Bassil cho rằng, các nước Arab cần phải có các biện pháp ngăn chặn trước đối với quyết định như vậy, bắt đầu với các biện pháp ngoại giao, sau đó là chính trị, và đến trừng phạt về kinh tế, tài chính.
Cũng tại cuộc họp của Liên đoàn Arab, Saudi Arabia cũng kêu gọi Mỹ đảo ngược quyết định về Jerusalem. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Jubeir nói rằng, cộng đồng quốc tế cần phải đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột giữa Palestine và Israel.
Bàn về cách thức ứng phó với chính sách mới của Mỹ, Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul-Gheit và Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận Nhà nước Palestine, trong đó Đông Jerusalem là thủ đô.
Jerusalem vốn là nơi có nhiều khu vực linh thiêng của Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, đặc biệt là ở khu vực Đông Jerusalem. Israel luôn coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Còn phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai.
Trong khi các nước khác có quan hệ ngoại giao với Israel đều đặt cơ quan đại diện ở Tel Aviv, thì Mỹ là quốc gia đầu tiên dự định chuyển đại sứ quán đến Jerusalem. Động thái này của Washington vấp phải làn sóng chỉ trích từ các nước Arab, châu Âu, cộng đồng Hồi giáo và người Palestine.