Cuộc khủng hoảng nhập cư và hình ảnh của nước Đức

PV| 06/09/2015 14:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với việc dang tay cứu giúp những người nhập cư và yêu cầu các nước khác làm như mình, nước Đức - sẽ tiếp nhận tổng cộng 800.000 người nhập cư trong năm nay - đã làm cho hình ảnh của mình trên thế giới trở nên "lung linh" hơn rất nhiều.

Theo nhà báo lão thành Bernardo Valli của nhật báo "La Repubblica", thái độ của các tờ báo Đức - dù theo phe nào, trung dung, tự do hay dân túy - đều thể hiện một quan điểm chung rằng Đức là một nước lớn ở châu Âu và trên thế giới, nước Đức có thể giúp đỡ được người tị nạn theo cách trực tiếp và gián tiếp. Trong tháng 8 vừa qua, tờ "Bild" - nhật báo lớn nhất nước Đức - đã đăng nhiều bài viết kêu gọi người Đức cứu giúp người tị nạn Syria.

Cuộc khủng hoảng nhập cư và hình ảnh của nước Đức

Cảnh sát cơ động Macedonia giải tán hơn 3.000 người dân tị nạn có ý muốn tràn qua biên giới nước này.

Tuy nhiên, người tị nạn Syria lên tới 800.000 người và như vậy sẽ khiến mức chi ngân sách của nước Đức lên thêm 10 tỉ euro một năm. Mặc dù vậy, nước Đức vẫn tuyên bố sẽ mang lại cho những người tị nạn niềm hy vọng về cuộc sống mới.

Bất chấp nước Pháp lưỡng lự, nước Anh phân vân và các nước Đông Âu lớn tiếng chỉ trích, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hành động với sự quyết đoán cao độ và những gì bà làm đã khẳng định một điều rằng trên khía cạnh nhân đạo, Đức làm gương cho cả châu Âu trong việc tuân thủ một trong những nguyên tắc hàng đầu mà EU đưa ra là đoàn kết. 

Nhà báo Valli cho rằng việc các quốc gia sống chết bảo vệ lợi ích của cá nhân mình đã khiến nguyên tắc này bị ảnh hưởng. Các nước Đông Âu là một ví dụ. Họ từng ủng hộ Đức trong các nguyên tắc liên quan đến việc vay và trả nợ của Hy Lạp, đã bày tỏ sự đồng thuận với các quyết định của Berlin trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, nhưng lại coi Đức là một mối đe dọa đối với lợi ích của họ trong cuộc khủng hoảng nhập cư, do có một số lượng lớn người chạy nạn qua nước họ để tìm cách tới được Đức và các nước Bắc Âu. Họ sợ dòng người này sẽ khiến nước họ bị tác động tiêu cực nên tìm cách mọi cách đẩy đi hoặc ngăn chặn bằng được. 

Trong những năm qua, Đức là một cường quốc về kinh tế, là "người bảo vệ" đồng tiền chung euro và cũng từng gây ấn tượng xấu bởi những áp đặt của họ trong chính sách tài chính hà khắc giáng vào Hy Lạp và các nước EU bị khủng hoảng. Nhưng giờ đây, Đức đã cho thấy một hình ảnh khác sau những hình ảnh tàn bạo mà chính Đức đã gây ra trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Đó là nhân đạo. 

Tuy nhiên, theo nhà báo Valli, việc Đức đồng ý tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn tới Đức cũng là một cuộc chơi chính trị trong một viễn cảnh bầu cử.

Nhà báo Valli kết luận: "Ngay khi Sigmar Gabriel, Chủ tịch của đảng Xã hội dân chủ và hiện là Phó Thủ tướng, đến thăm trại tị nạn Heidenau - nơi những nhóm phát xít mới từng biểu tình và tấn công - có lẽ bà Merkel đã nghĩ ngay rằng đây sẽ là đối thủ chính của bà trong cuộc bầu cử năm 2017. Một khi Gabriel đến Heidenau, nghĩa là ông ta đang lấy điểm từ các cử tri, bởi hiện tại, việc hỗ trợ người nhập cư có nghĩa là sẽ thu hút được cảm tình của cử tri. Các đảng dân túy chống người nhập cư không có mấy đất sống ở Đức. Chính theo cách ấy, chỉ trong vòng vài ngày, bà Merkel đã tìm cách in lại dấu ấn của mình tại một châu Âu thống nhất về kinh tế chứ không phải về đạo đức". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc khủng hoảng nhập cư và hình ảnh của nước Đức