Anh thúc giục Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên, Bắc Kinh lập tức phản pháo

Hà Kim (Theo AFP)| 31/08/2017 09:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trung Quốc vừa đáp trả sâu cay Thủ tướng Anh Theresa May, sau khi bà May kêu gọi Bắc Kinh tăng áp lực buộc Bình Nhưỡng ngừng phóng thử tên lửa.

Theo đó, phát biểu trong chuyến thăm thành phố Osaka (Nhật Bản), bà May nhấn mạnh, Bắc Kinh đóng vai trò then chốt trong vấn đề Triều Tiên và cần phải nỗ lực hơn nữa.

Phản hồi trước phát biểu của Thủ tướng Anh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đáp trả rằng, một số bên liên quan chỉ thực hiện nghị quyết Liên Hợp Quốc một cách có chọn lọc bằng cách thúc đẩy chế tài mà làm ngơ với việc thúc đẩy tái đàm phán.

Anh thúc giục Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên, Bắc Kinh lập tức phản pháo

Anh thúc giục Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên, Bắc Kinh lập tức phản pháo 

Theo bà Hoa, đó không phải là thái độ cần có của các nước có trách nhiệm khi mùi đạn pháo vẫn còn nồng nặc tại bán đảo Triều Tiên. Bà Hoa cũng thúc giục tất cả các bên tránh khiêu khích, và nhắc lại lời kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng thử tên lửa, đổi lại Mỹ - Hàn ngừng tập trận quân sự.

Trước đó, vào ngày 29/8, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo bay ngang đảo Hokkaido của Nhật và rơi xuống biển, đây là hành động phô trương lực lượng.

Ngay sau đó, Trung Quốc cảnh báo căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã đạt tới điểm bùng phát sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa, đồng thời cho rằng Mỹ và Hàn Quốc đã đẩy sự việc trở nên như bây giờ.

Trong một động thái có liên quan, ngày 30/8, đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Matthew Rycroft cho biết, Anh muốn các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên sẽ nhằm tới các lao động Triều Tiên ở nước ngoài, phần lớn là ở Nga và Trung Quốc. Thu nhập của những lao động này là một nguồn doanh thu của Triều Tiên.

Cùng ngày, Nhật Bản cũng đã hối thúc Mỹ đề xuất lên Liên Hợp Quốc các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Các nhà ngoại giao cho biết những biện pháp này có thể nhằm tới lao động Triều Tiên ở nước ngoài, nguồn cung cấp dầu và mặt hàng dệt xuất khẩu.

Theo ước tính có khoảng 60.000 – 100.000 người Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài. Một nhà điều tra nhân quyền của Liên Hợp Quốc vào năm 2015 cho biết, có hơn 50.000 người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, chủ yếu ở Nga và Trung Quốc, mang về nước khoảng 1,2 - 2,3 tỷ USD mỗi năm.

Theo các nhà ngoại giao, mặt hàng dệt xuất khẩu của Bình Nhưỡng, nguồn cung cấp dầu cho chính phủ, quân đội và hãng hàng không quốc gia của Triều Tiên cũng sẽ là mục tiêu của bất cứ biện pháp trừng phạt mới nào của Liên Hợp Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Anh thúc giục Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên, Bắc Kinh lập tức phản pháo