Cuộc khủng hoảng di cư khiến châu Âu ngày càng chia rẽ

T.G| 19/09/2015 15:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo nhận định ngày 17/9 của tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), cuộc khủng hoảng di cư hiện nay có thể đẩy nước Đức đến chỗ mâu thuẫn gay gắt với các quốc gia láng giềng ở phía Đông.

Như vậy, hố sâu khoảng cách giữa Đông Âu và Tây Âu ngày càng được nới rộng với nhiều vấn đề gây bất đồng, chia rẽ mà khó có thể hàn gắn trong "một sớm, một chiều".

Cuộc khủng hoảng di cư khiến châu Âu ngày càng chia rẽ

Người di cư phá vỡ rào chắn của cảnh sát để tràn vào thành phố Tovarnik, Croatia, gần biên giới Serbia. Ảnh:TTXVN

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã được cả thế giới tung hô khi bà tuyên bố, sẵn sàng tiếp nhận hàng chục nghìn người tị nạn chạy trốn khỏi xung đột, nghèo đói và bạo lực ở Syria, Iraq, Afghanistan. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi nhanh chóng trong vòng một tuần qua. Các nhà ngoại giao ở Đông Âu - nơi Đức đang hậu thuẫn cho kế hoạch tiếp nhận người tị nạn - bắt đầu lên tiếng phàn nàn về thái độ trịnh thượng và hung hăng của Berlin. Nhiều người còn cho rằng, cách hành xử theo kiểu "chiếu trên" sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường an ninh châu Âu.      

Ngày 13/9, Đức bất ngờ ra lệnh siết chặt biên giới và tăng cường thêm nhiều chốt tuần tra, kiểm soát. Điều đáng nói là Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Czech chỉ biết đến thông tin này qua báo chí, chứ không phải từ những người đồng nghiệp Đức. Suốt mấy ngày liền, Berlin còn phớt lờ các cuộc gọi của Praha liên quan đến vấn đề tiếp nhận người di cư. Một quan chức cấp cao của Cộng hòa Czech thừa nhận: "Không hề có bất cứ liên hệ nào. Họ cắt đứt liên lạc với chúng tôi, thậm chí không báo trước việc đóng cửa biên giới". Một bầu không khí hoài nghi và bức xúc bao trùm lên mối quan hệ giữa Đức và các nước láng giềng nhỏ hơn ở phía Đông.

Cuộc khủng hoảng di cư ngày càng hỗn loạn và tồi tệ, đặc biệt ở khu vực biên giới các nước châu Âu sau khi Đức siết chặt kiểm soát. Ngày 17/9, cảnh sát chống bạo loạn đã xô xát với người nhập cư ở Croatia. Hơn 7.000 người di cư từ Hungary đã tràn vào quốc gia nhỏ bé này, khiến tình hình thêm phức tạp và bất ổn. Các nhà lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày 23/9 để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Ngay trước đó, các bộ trưởng nội vụ cũng được triệu tập để bỏ phiếu quyết định xem có nên ép các nước còn miễn cưỡng phải tiếp nhận 120.000 người nhập cư hiện đang ở Italy và Hy Lạp hay không? Đây cũng là một sáng kiến mà Đức khởi xướng và thúc giục các nước tiến hành bỏ phiếu.

Một nhà ngoại giao EU nói: "Đó không đơn thuần là vấn đề giữa Đông và Tây, mà là giữa nước nhỏ và nước lớn. Nó đang gửi đi một thông điệp rất tiêu cực".

Ranh giới giữa các nước thành viên cũ và mới của EU bất chợt hiện ra rõ hơn, dù nhiều người không muốn thấy. Cuộc khủng hoảng di cư một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khoảng cách giữa Đông và Tây trong nỗ lực nhất thể hóa toàn châu Âu. Không chỉ đối mặt với sức ép của làn sóng người nhập cư, các nhà lãnh đạo EU còn đứng trước nguy cơ khủng hoảng về giá trị châu Âu mà họ từng dày công gây dựng.    

Một số nhà ngoại giao cũng bức xúc với kế hoạch tái định cư người tị nạn mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đưa ra. Ông Juncker không ngần ngại xác định kế hoạch này là trọng tâm của toàn bộ các giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Giới ngoại giao cáo buộc ông Juncker đang "tiếp tay" cho Berlin. Việc Đức quyết định đóng cửa biên giới với Áo ngay trước khi các bộ trưởng nội vụ châu Âu nhóm họp đã truyền đi một thông điệp khá rõ ràng: Hãy tiếp nhận người tị nạn nếu không muốn hiệp ước Schengen bị tê liệt.

Trong bối cảnh hiện nay, Đức sẽ vấp phải những thử thách đáng kể khi thúc đẩy kế hoạch của mình. Nhiều người gọi đề xuất phân bổ hạn ngạch về người di cư là "kế hoạch của Đức". Thậm chí, những đồng minh thân cận nhất của Đức cũng không giấu được tâm trạng hoài nghi về đường hướng sắp tới. Thủ tướng Slovakia Robert Fico thề sẽ chống lại kế hoạch này đến cùng. Ông nói: "Không ai có quyền ra lệnh cho chúng tôi phải làm gì".

Thực tế cho thấy cuộc khủng hoảng di cư đang khiến cho tình trạng chia rẽ và bất đồng giữa các nước thành viên EU ngày càng tồi tệ, có thể châm ngòi cho những nguy cơ khác nảy sinh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc khủng hoảng di cư khiến châu Âu ngày càng chia rẽ