Gặp lương y Nguyễn Hữu Khai, nguyên mẫu nhân vật Hải trong “Đường Đời”, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện rất bổ ích với ông về chuyện đời, chuyện nghề thăng trầm tựa như “Dốc đứng”.
Ai đã từng xem bộ Phim "Đường Đời" được công chiếu trên VTV3 năm 2004, hẳn sẽ ấn tượng với cuộc đời quá đỗi thăng trầm của nhân vật Hải. Gặp nguyên mẫu nhân vật Hải trong phim truyền hình là lương y Nguyễn Hữu Khai - Nguyên ông chủ Tập đoàn Y dược Bảo Long sau 13 năm kể từ ngày bộ phim được công chiếu, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện rất bổ ích với ông về chuyện đời, chuyện nghề thăng trầm tựa như “Dốc đứng”.
Nhân vật Hải trong phim “Đường Đời” được phát sóng trên VTV3 - Ảnh chụp màn hình
- Cuộc đời ông như những thước phim, đến nay đã 13 năm kể từ ngày bộ phim “Đường đời” trên VTV3 lần đầu công chiếu và nhận được nhiều tình cảm của khán giả truyền hình. Sau chừng ấy năm, Lương y Nguyễn Hữu Khai có bao giờ nuôi ý định sẽ viết tiếp về cuộc đời mình để tiến hành xây dựng phần 2 cho bộ phim, kể tiếp cuộc đời còn dang dở với khán giả truyền hình?
- Tôi thực sự không bao giờ nghĩ tới việc sẽ được làm phim về cuộc đời mình lần thứ 2. Việc tôi viết tiểu thuyết mang tên: “Đường đời dốc đứng” là bởi hoàn cảnh tù tội tạo cho tôi có thời gian nhàn rỗi và cơ hội để viết về trải nghiệm cuộc đời. Tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp nên khi viết, chỉ biết sử dụng tư liệu từ chính bản thân nên tiểu thuyết gần giống như hồi ký. Khi được trả tự do, tôi chắp nhặt lại để hoàn thiện tác phẩm, thế rồi được nhà xuất bản Hội nhà văn biên tập, cấp giấy phép xuất bản và đươc một số bạn bè có dụng ý xây dựng thành tác phẩm điện ảnh.
- Là một Lương y, võ sư, thầy thuốc, nhà khoa học, doanh nhân, lại có hơn chục đầu sách văn chương đã được xuất bản, rồi lại phải 2 lần ngồi “Bóc lịch” trong tù. Cuộc đời ông đã trải qua 4 đời vợ với 4 dòng con. Bởi thế, ông từng được người đời đặt cho nhiều danh xưng. Có người còn gọi ông là “Giang hồ xuyên lục địa”, là “lang băm”, là người đàn ông lắm vợ nhiều con… Tới nay đã ngoại lục tuần, với bao biến cố trong “Đường đời dốc đứng”, khi người đời nhắc về ông, ông mong muốn được gọi với danh xưng nào? Điều đó có ý nghĩa như thế nào?
- Tôi đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Ngày xưa gọi là:“Sắc phong của nhà vua”. Vinh dự lắm! Xin được nói thêm:Ngày xưa những vị được nhà vua phong sắc gọi là “Thần”. Những vị được Nhân dân tôn vinh gọi là “Thánh”. Vậy danh xưng “Thầy thuốc” là danh xưng và danh vị cao quý nhất của đời tôi. Đó chính là danh xưng tôi trân trọng nhất.
- Tài sản dành cho những người con của mình, theo ông, nếu không xét về khía cạnh vật chất, với vai trò một người cha, ông nghĩ tài sản đó sẽ là gì?
- Tôi nghĩ rằng tài sản vô giá của mình để lại cho các con là một cái kho lớn về kinh nghiệm và kiến thức tổng hợp của trường đời. Hơn thế nữa, đó là tấm gương kiên nhẫn trong cuộc sống, luôn tìm cách vượt qua mọi khó khăn cản trở với ý chí sắt đá, với nghị lực kiên cường quyện trong tinh thần nhân văn cao thượng! Tuy nhiên, không phải đứa con nào của tôi cũng thích bởi “Tài sản” này không thiết thực và rất khó xài…! “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Ít có gia đình nào các con hào hứng theo lối sống của bố…!
- Dư luận những ngày qua không ngừng sửng sốt về thông tin: Trong phiên tòa xử Nguyễn Minh Hùng - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP VN Pharma - cùng đồng phạm nhập khẩu thuốc chữa ung thư giả về bán trục lợi đang diễn ra (21.8), lời nói “thuốc ung thư giả là bình thường” do chính Hùng thốt ra khiến bất cứ ai nghe cũng không khỏi lạnh sống lưng. Cá nhân lương y Nguyễn Hữu Khai có nhận định ra sao về điều này ?
- Tôi cho rằng những kẻ cố ý làm hàng giả để vụ lợi là mang tội lừa đảo. Với kẻ làm thuốc giả và buôn bán thuốc giả còn thêm những tội sau:
1. Tội trộm cắp bởi chúng rút tiền từ túi người vô ý.
2. Tội cướp giật tài sản bởi chúng công khai chiếm đoạt tài sản của người khác
3. Tội cố ý gây thương tích bởi chúng dùng thủ đoạn gây tổn thương cơ thể của người khác.
4. Tội giết người bởi chúng làm mất cơ hội điều trị của người bệnh để dẫn tới tử vong.
Lời nói của kẻ phạm tội buôn bán thuốc giả: “Thuốc ung thư giả là bình thường” thì biểu hiện sự tàn ác, táng tận lương tâm và mất gốc về đạo lý…!
- Ông từng trích dẫn lời công bố của một nhóm nhà khoa học nội khoa tiêu hóa rằng: Chúng tôi có thể hoàn toàn tự tin mà nói rằng: “Nguyên nhân cơ bản của hơn 90% các căn bệnh hành hạ con người chính là sự táo bón, sự tích tụ các chất xỉ, lẽ ra phải được đẩy ra ngoài cơ thể”. Trong cuốn sách “Điều trị ung thư” của giáo sư Gherzon (người Đức) có đoạn khẳng định rằng: “Ung thư là sự trả thù của tự nhiên bởi con người sử dụng thức ăn sai lầm. Trong 10.000 trường hợp ung thư thì 9.999 trường hợp là do sự đầu độc từ phân của chính mình, chỉ có 1 trường hợp đúng với sự biến dạng thoái hóa của cơ thể mà thôi!" Xin ông giải thích kỹ hơn và cho biết những dấu hiệu để nhận biết ung thư sớm và những thực phẩm để phòng trừ ung thư ?
- Lời công bố của một nhóm nhà khoa học nội khoa tiêu hóa, sau quá trình kỳ công nghiên cứu và sau khi tiến hành thí nghiệm mổ 280 tử thi thì phát hiện 240 trường hợp đại tràng bị biến dạng và vách trong đại tràng bám rất nhiều cục phân to và cứng như đá…!
Rõ ràng tiềm ẩn của ung thư và của hàng chục căn bệnh hành hạ con người là từ hệ thống tiêu hóa. Chúng ta hãy để tâm tìm hiểu đoạn tiêu hoá cuối cùng trong hệ thống tiêu hoá, đó là đại tràng. Đại tràng gồm 4 lớp, phần trong được phủ lớp màng nhầy để tự bảo vệ thành ruột và giúp thức ăn dễ dàng đi qua. Tiếp nữa là màng cơ gồm 2 lớp, lớp tuần hoàn bên trong và lớp dọc bên ngoài. Màng cơ có nhiệm vụ co bóp nhào trộn để đẩy thức ăn về phía hậu môn, tiếp theo là thanh mạc phủ bên ngoài đại tràng.
Đại tràng có khả năng tái hấp thụ đường gluco, các vitamin, các axit amin, các chất điện phân do các vi khuẩn có lợi sống trong đại tràng tạo ra. Mỗi ngày, có chừng 2 kg hỗn hợp thức ăn được nghiền nát tại dạ dày, qua ruột non rồi đi xuống đại tràng. Sau khi đại tràng thực hiện quá trình tái hấp thụ chỉ còn lại khoảng 200g phân.
Đồ ăn được chuyển qua khoảng 6m ruột non hết 4 – 5 giờ, sau đó đưa vào đại tràng. Tốc độ xê dịch trong đại tràng chậm lại để tái hấp thụ, qua khoảng 2 m đại tràng hết 12 – 18 giờ. Sự chuyển vận chậm chạp nhưng liên tục (không dừng lại ở bất kì giai đoạn nào).
Trong quá trình tiếp nhận đồ ăn hỗn hợp từ ruột non đùn vào đại tràng có kèm theo chất dịch tiêu hoá chứa một số men và có muối, rượu với vài chất kích thích. Đồng thời, trong đại tràng có khoảng 400 – 500 loại vi khuẩn khác nhau. Các nhà khoa học khẳng định trong 1 gam phân có chừng 30 – 40 tỷ vi khuẩn. Theo số liệu của tiến sĩ khoa học Koandi: “Trong một ngày đêm, mỗi người thải ra gần 17 ngàn tỷ con vi khuẩn qua phân”. Các loại vi khuẩn này, ngoài việc tham gia vào khâu cuối cùng của quá trình tiêu hoá còn đảm nhận chức năng bảo vệ đại tràng. Đồng thời, biến chất xơ thực phẩm thành hàng loạt vitamin, axít amin, men, hoóc môn và các chất dinh dưỡng quan trọng khác.
Trong môi trường hoạt động của đại tràng, các vi khuẩn nói trên có khả năng lấn át, đè bẹp và tiêu diệt rất nhiều loại vi trùng gây bệnh, đồng thời các sản phẩm của các vi khuẩn có lợi nói trên có tác dụng điều chỉnh hệ thống thần kinh thực vật, kích thích hệ miễn dịch và ngăn chặn sự phát triển bất bình thường của các mô lạ, duy trì sự miễn dịch và giữ vai trò chống ung thư. Chẳng những thế, 17 ngàn tỷ vi khuẩn có lợi sống trong đại tràng, khi phát triển cũng giải phóng năng lượng (tạo ra nhiệt sinh học) để sưởi ấm máu và các cơ quan trong khoang bụng. Chính vì vậy, mà các nhà thông thái từ ngàn xưa đã coi đại tràng là cái lò sưởi không chỉ sưởi ấm mọi cơ quan trong khoang bụng mà còn làm ấm máu và truyền nhiệt theo máu sưởi ấm toàn bộ cơ thể. Các vi khuẩn có lợi tồn tại và phát triển trong môi trường chua yếu và sống bằng chất xơ thực phẩm. Tuy nhiên, đa số người ta trong sinh hoạt lại không lưu tâm cho sự tồn tại của vi khuẩn có lợi. Họ rất ít ăn thực phẩm xơ mà chủ yếu dùng các đồ ăn gọn nhẹ, khoái khẩu và giàu dinh dưỡng. Chẳng hạn bữa ăn chỉ có vài lát bánh mì kẹp thịt hoặc patê, hoặc chỉ uống rượu với đồ nhậu, thịt, cá, khiến trong đại tràng hầu như không có phân, không gây cảm giác muốn đại tiện và có thể liền mấy ngày không đại tiện. Để lại trên thành đại tràng một lớp “váng” phân, thứ “váng” này bám vào nếp gấp của đại tràng. Khi thành đại tràng thực hiện quá trình tấu lý (tiết nước ra ngoài), các váng phân bị vê tròn theo nhu động rồi bám chặt vào vách trong đại tràng và khô cứng như sỏi. Cứ như thế, qua nhiều ngày, các cục phân cứng được bồi đắp mỗi ngày một to ra gây nhiễm độc cho cơ thể, làm tắc nghẽn và biến dạng co thắt đại tràng.
Thông thường bước sang tuổi bốn mươi, khi lớp màng nhầy mỏng dần, đại tràng bị tích tụ dính các u phân làm thành đại tràng bị giãn ra, biến dạng và chèn ép lên các tạng phủ ở ổ bụng khiến cho các tạng phủ này trong tình trạng lùng nhùng bên một túi phân, dẫn tới những cản trở không nhỏ trong việc thực hiện chức năng hoạt động. Nhiều u phân bám cứng ở một chỗ hàng chục năm làm cho chỗ đó không được nuôi dưỡng bình thường, cản trở tuần hoàn, gây ra tình trạng xung huyết, nhiễm độc và gây chứng viêm kết tràng, xuất huyết, giãn tĩnh mạch rồi dẫn tới pôlip và ung thư. Đồng thời với tình trạng ăn uống thiếu chất xơ sẽ gây táo bón. Ngoài trường hợp phân táo cứng, với trường hợp không có hoặc quá ít phân trong vòng 24 - 32 giờ cũng coi là táo bón.
Đại tràng viêm thường biểu hiện những triệu chứng như sau: Ăn uống khó tiêu, trong bụng lình sình đau âm ỉ, có lúc đau dữ dội. Khi đau ấn vào bụng hơi căng. Nếu ợ được hơi hoặc trung, đại tiện thì bớt đau. Khi ăn phải đồ ăn lạ hoặc có nhiều chất mỡ, chất tanh thì khó chịu và thường sinh chứng tiêu chảy. Thường ngày đại tiện từ 2 đến vài 3 lần. Đi phân khi thì bón, khi thì nhão và hay có máu và chất nhầy bám theo phân (cũng có trường hợp vài ba ngày mới đi đại tiện một lần). Bệnh lâu sẽ sút cân dần, da xanh xao, khô sạm, đoản hơi, hay thở dài, khi ngủ thì trằn trọc, ngủ rồi thì hay mơ sợ.
Chắc chưa muộn khi chúng ta quan tâm đến sức khoẻ của mình và cảm thương cho 2m đại tràng tội nghiệp đã phải chịu đựng sự hành hạ của chính chúng ta. Khi bị táo bón hoặc bị viêm đại tràng thì phải thay đổi ngay chế độ ăn uống cho phù hợp và phải lập tức điều trị.
Xin trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ rất bổ ích!