Thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật thống kê (sửa đổi)

Nguyễn Cường, Ảnh: TTXVN| 04/11/2015 16:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, sáng 4/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật đấu giá tài sản; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thống kê (sửa đổi).

Cần thiết ban hành Luật đấu giá tài sản 

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật đấu giá tài sản nêu rõ: Đấu giá là một trong những hình thức mua bán tài sản phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Năm 1989, Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh thi hành án dân sự, trong đó có một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đã kê biên để thi hành án. Năm 1996, trên cơ sở quy định về bán đấu giá tài sản của Bộ luật Dân sự, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/1996/CP ngày 19/12/1996 về việc ban hành quy chế bán đấu giá tài sản, từ đó hoạt động đấu giá được hình thành và từng bước phát triển thành dịch vụ bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp. Hình thức bán đấu giá tài sản được quy định tại nhiều văn bản luật và chủ yếu áp dụng đối với tài sản Nhà nước, tài sản thi hành án, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính... nhằm bảo đảm cho việc xử lý các tài sản này được công khai, minh bạch, khách quan, giảm thiểu các tiêu cực trong việc xử lý tài sản. 

Thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật thống kê (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu giải trình về ý kiến của đại biểu Quốc hội 

Để góp phần thống nhất về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân về dịch vụ bán đấu giá tài sản, trên cơ sở các quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự, Quốc hội đã ban hành Luật thương mại quy định việc bán đấu giá tài sản của thương nhân. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định về lĩnh vực này, trong đó gần đây nhất là Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 về bán đấu giá tài sản. Sau 4 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, hoạt động đấu giá tài sản đã đạt được những kết quả đáng kể. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và các ngành dịch vụ theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động đấu giá tài sản đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: Chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung chưa có hiệu quả, còn tồn tại tình trạng thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; chưa có cơ chế hữu hiệu kiểm soát việc đấu giá, nhất là đấu giá tài sản Nhà nước. Đặc biệt, việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá đối với tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm còn gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng người mua được tài sản đấu giá ngay thường chịu nhiều rủi ro, quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng do không nhận được tài sản trúng đấu giá. Bên cạnh đó, chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập. Doanh nghiệp đấu giá đã có sự phát triển đáng kể về số lượng nhưng tổ chức và hoạt động còn chưa chuyên nghiệp, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất yếu kém. Số trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tự chủ về kinh phí hoạt động còn chưa nhiều; một số trung tâm hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của Nhà nước… 

Nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất cho hoạt động đấu giá tài sản, khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, nhất là trong bối cảnh Hiến pháp năm 2013 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản đã và đang được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, thì việc ban hành Luật đấu giá tài sản nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với lĩnh vực này theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới là rất cần thiết. Dự thảo Luật đấu giá tài sản gồm 8 chương, 78 điều. 

Thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật thống kê (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào phát biểu ý kiến

Đánh giá về dự án Luật đấu giá tài sản, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật đấu giá tài sản nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan. 

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc ban hành Luật đấu giá tài sản nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu về xã hội hóa và tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. 

Nhất trí nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình 

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thống kê (sửa đổi), các đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng: Dự thảo Luật thống kê (sửa đổi) đã được Ban soạn thảo cân nhắc, chọn lọc tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh): Dự thảo Luật đã mở rộng và điều chỉnh cả hoạt động thống kê sử dụng thông tin thống kê Nhà nước và thống kê ngoài Nhà nước; quy định phân cấp rõ hơn về trách nhiệm của việc thu thập, tổng hợp và công bố dữ liệu thống kê; trách nhiệm của cơ quan thống kê trung ương trong vai trò thẩm định hệ thống chỉ tiêu, phân loại thống kê, phương án điều tra… 

Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) tán thành với việc quy định cơ quan thống kê Trung ương có trách nhiệm thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê của Bộ, ngành; thẩm định phân loại thống kê; phương án điều tra thống kê; chế độ báo cáo thống kê cơ sở và chế độ báo cáo thống kê tổng hợp các Bộ, ngành trước khi ban hành, nhằm khắc phục sự chênh lệch số liệu thống kê giữa cơ quan thống kê Trung ương và Bộ, ngành; và quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc không tiếp thu ý kiến thẩm định của cơ quan thẩm định thống kê Trung ương tại khoản 5 của các Điều 20, 26, 32, 49. 

Tuy nhiên, đối với thẩm định số liệu thống kê thì tại khoản 4 Điều 54 chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan thống kê trung ương là: Trong trường hợp Bộ, ngành không tiếp thu ý kiến thẩm định của cơ quan thống kê Trung ương thì cơ quan thống kê Trung ương tự quyết định và chịu trách nhiệm. “Rất băn khoăn với quy định này, tôi không khẳng định là sự chính xác của các thông tin thống kê trong thời gian qua do lỗi của cơ quan trung ương nhưng cũng phải công nhận là số liệu thống kê của các Bộ, ngành, có khi là để phục vụ cho sự hoạt động của ngành đó nên tương đối là khách quan. Vì vậy, trong Điều 63 quy định về tham khảo ý kiến người sử dụng thông tin thống kê Nhà nước, tôi đề nghị cần bổ sung thêm quy định được phản biện của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng các số liệu thống kê Nhà nước” – đại biểu Tố Nga đề nghị. 

Cần quy định điều kiện thống kê ngoài Nhà nước 

Góp ý về hoạt động thống kê ngoài Nhà nước, có ý kiến đề nghị không nên hạn chế các hoạt động liên quan đến dịch vụ thống kê ngoài Nhà nước như quy định tại khoản 2 Điều 70. Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ phạm vi hoạt động thống kê ngoài Nhà nước, quy định quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thống kê ngoài Nhà nước... 

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng: Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của dự thảo Luật thì hoạt động thống kê ngoài Nhà nước do các tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm nguồn lực (không sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước) nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dịch vụ thống kê phải tự chịu trách nhiệm dân sự, quan hệ hợp đồng với khách hàng theo quy định của pháp luật. Hoạt động thống kê ngoài Nhà nước cần được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng cũng cần phải có các quy định cụ thể hơn để quản lý, giám sát. Theo dự thảo Luật sửa đổi thì hoạt động thống kê ngoài Nhà nước được quy định tại chương VIII (các Điều 70, 71, 72), với các nguyên tắc hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 5 và nghĩa vụ tuân thủ các điều cấm quy định tại khoản 2 Điều 10. Các quy định này chưa thật đầy đủ và toàn diện đối với người làm công tác thống kê và tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dịch vụ thống kê. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội cho bổ sung các quy định về: tiêu chuẩn đối với người làm công tác thống kê ngoài Nhà nước; điều kiện hoạt động đối với tổ chức, cá nhân làm dịch vụ thống kê; tổ chức, cá nhân làm công tác thống kê, dịch vụ thống kê phải chịu sự quản lý của Nhà nước theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan. 

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), dự thảo Luật đã điều chỉnh 2 nội dung lớn là hoạt động thống kê Nhà nước và hoạt động thống kê ngoài Nhà nước. Tuy nhiên, chỉ có 8/75 điều Luật điều chỉnh về hoạt động thống kê ngoài Nhà nước là chưa cân đối. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung thêm các nội dung cụ thể về thống kê ngoài Nhà nước trong dự thảo Luật thống kê như: Bổ sung quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thống kê ngoài Nhà nước; việc thu thập, phân tích, sử dụng, quản lý, công bố thông tin thống kê ngoài Nhà nước; các tổ chức thống kê ngoài Nhà nước; việc báo cáo các hoạt động thống kê ngoài Nhà nước cho cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực thống kê hằng năm. 

Đồng tình với các hoạt động thống kê ngoài Nhà nước được quy định tại chương VIII, tuy nhiên đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) đề nghị sửa lại Điều 72 như sau: "Dữ liệu thống kê và thông tin thống kê ngoài Nhà nước phục vụ cho mục đích quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật này; dữ liệu thống kê và thông tin thống kê ngoài Nhà nước sau khi được sự thẩm định và chấp thuận của cơ quan thống kê Trung ương có giá trị như dữ liệu thống kê và thông tin thống kê của hoạt động thống kê ngoài Nhà nước". Theo đại biểu, hoạt động thống kê cũng là hoạt động cần rất nhiều nguồn lực và nhân lực chất lượng cao, do đó cần phát huy các nguồn lực trong nước và quốc tế vào trong lĩnh vực hoạt động thống kê, nhằm bổ trợ thêm cho hệ thống thông tin thống kê Nhà nước; đặc biệt trong công tác phân tích, dự báo và tạo động lực cho sự phát triển của hệ thống thống kê Nhà nước. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc vấn đề này. 

Cũng thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thống kê (sửa đổi), các đại biểu đã góp ý cụ thể về những vấn đề như: các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê; phương pháp thống kê; hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia… 

Chiều nay (4/11), Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật báo chí (sửa đổi); thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật thống kê (sửa đổi)