Mặc dù nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp là rất lớn song còn nhiều rào cản mà doanh nghiệp gặp phải khi áp dụng công nghệ số.
Những rào cản trong chuyển đổi số
Dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đã khiến các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh đó, nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết khi các doanh nghiệp buộc phải đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh nhằm thích ứng với bối cảnh mới.
Các doanh nghiệp chủ yếu ứng dụng công nghệ số vào các vấn đề như mua hàng, bán hàng, quản trị nội bộ, logistics, sản xuất và marketing. Trong đó, cụ thể có các hoạt động như sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, thanh toán điện tử, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ, kho hàng...
Dù nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết và trở thành xu hướng trong doanh nghiệp nhưng thực tế còn nhiều rào cản trong chuyển đổi số hiện nay như chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao, khó khăn trong thay đổi thói quen...
Trong báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2021 phối hợp với Dự án USAID LinkSME thực hiện dựa trên khảo sát 1.300 doanh nghiệp, 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là bởi chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao. Việc ứng dụng trong sản xuất còn hạn chế, như ứng dụng thiết bị IoT, rô-bốt, dây chuyền tự động hoá hay hệ thống điều hành sản xuất nhà máy...
Nguyên nhân một phần là đại dịch khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về giảm doanh thu, thiếu hụt nguồn vốn. Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến chi phí đầu tư, triển khai, duy trì các giải pháp cho chuyển đổi số.
Rào cản lớn tiếp theo với doanh nghiệp là thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh. Một số doanh nghiệp đã ứng dụng phần mềm trong sản xuất nhưng nhân viên, người lao động không ứng dụng, hoặc chỉ ứng dụng một phần, khiến mục tiêu chuyển đổi số của doanh nghiệp không đạt được mục tiêu đề ra. Khó khăn này thường gặp ở những công ty quy mô vừa và lớn có bộ máy, quy trình phức tạp hơn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng, thiếu hạ tầng, thiếu thông tin về công nghệ số. 23,4% doanh nghiệp trả lời rằng sợ rò rỉ dữ liệu, còn e ngại vấn đề bảo mật khi sử dụng các giải pháp công nghệ.
Theo nhiều chuyên gia, các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số gắn với quản trị doanh nghiệp trong 3 trụ cột chính là tài chính, nguồn nhân lực và marketing.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam đưa ra 6 giải pháp giúp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.
Thứ nhất, cần xây dựng hệ thống tài liệu để hướng dẫn các doanh nghiệp. “Chúng ta xây dựng môi trường giúp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số ví như xây dựng điện toán đám mây… “, ông Thuận nói.
Thứ hai, hình thành hệ thống tổ chức điều phối mạng lưới để doanh nghiệp xây dựng chuyển đổi số.
Thứ ba, hỗ trợ, đào tạo lại nhân lực khi tham gia chuyển đổi số. “Chúng ta phải giúp nhân lực trong doanh nghiệp nhận thức được chuyển đổi số không chỉ là thay đổi về mặt thông tin mà còn là vấn đề của nhận thức và tư duy”, ông Thuận nhấn mạnh.
Thứ tư, khi tiến hành chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có hệ thống chuyên gia để tư vấn. “Các chuyên gia sẽ tư vấn và bám sát quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp”, ông Thuận nói.
Thứ năm, hỗ trợ, dùng các phương pháp công nghệ, công cụ công nghệ gắn với chuyển đổi số. Theo ông Thuận, đây là giải pháp quan trọng nhất giúp chuyển đổi số thành công.
Thứ sáu, khi tiến hành chuyển đổi số, hệ thống chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước phải luôn luôn tạo sự hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi số với năng lực doanh nghiệp, đánh giá xem mình đặt mức độ nào theo tiêu chí đề ra.
Như Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng từng nói, COVID-19 là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia và cũng là cú huých trăm năm của chuyển đổi số. Do vậy, các doanh nghiệp phải nắm bắt cơ hội này để bứt phá, vươn lên, dẫn đầu chuyển đổi số quốc gia.