Thành tựu nổi bật trong 15 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp

PGS.TS.Nguyễn Hoà Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC| 12/09/2019 07:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Triển khai cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, các cơ quan chức năng đã đề ra nhiều giải pháp và quyết liệt thực hiện đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Với mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”, ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị là chiến lược cải cách tổng thể về nội dung với lộ trình dài hạn 15 năm (từ năm 2005 đến năm 2020) nhằm khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập của công tác tư pháp, đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra; bảo đảm đồng bộ với cải cách lập pháp và cải cách hành chính.

Để triển khai cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, các cơ quan chức năng đã đề ra các giải pháp và quyết liệt thực hiện nên các nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược cải cách tư pháp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Hoàn thiện thể chế về tư pháp

Trong quá trình đổi mới đất nước, cùng với cải cách về kinh tế, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến cải cách tư pháp, đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về tư pháp như: Nghị quyết Trung ương 8 (khóa VIII), Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII), Chỉ thị 53-CT/TW ngày 21/3/2000 của Bộ Chính trị về một số công việc cấp bách của các cơ quan tư pháp cần thực hiện năm 2000… Đến năm 2002, nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập, hạn chế của công tác tư pháp, ngày 2/1/2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và tập trung chỉ đạo khắc phục ngay tình trạng lạm dụng biện pháp tạm giam thay cho biện pháp điều tra; tăng cường tranh luận giữa Kiểm sát viên và Luật sư; bồi thường oan, sai trong tư pháp; thay đổi việc tổ chức thi hành án tử hình; hạn chế hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự; chuyển giao việc quản lý Tòa án địa phương từ Bộ Tư pháp về TANDTC…

Thành tựu nổi bật trong 15 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC phát biểu tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ 

Ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020,đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm gồm những định hướng cải cách lớn: (1) Hoàn thiện thể chế tư pháp; (2) Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp; (3) Hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp: Luật sư, giám định, công chứng; (4) Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp; (5) Hoàn thiện cơ chế giám sát của cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động tư pháp; (6) Tăng cường hợp tác quốc tế; (7) Bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp; (8) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan tư pháp. Để triển khai cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và trong 15 năm thực hiện (từ năm 2015 đến nay), 8 nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược cải cách tư pháp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Về hoàn thiện thể chế tư pháp, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013 và gần 70 luật, pháp lệnh liên quan đến tổ chức, hoạt động tư pháp và quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp. Hiến pháp năm 2013 được ban hành với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, được khẳng định là bản Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đối với lĩnh vực tư pháp, đổi mới bao trùm của Hiến pháp được thể hiện trên 3 định hướng lớn: Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật; tăng cường kiểm soát quyền lực tư pháp.

Thành tựu nổi bật trong 15 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng TANDTC

Trên cơ sở 3 định hướng lớn trên, Hiến pháp năm 2013 xác lập nhiều quyền và nhiều nguyên tắc tư pháp tiến bộ, tiệm cận với tư pháp tiến bộ thế giới. Hiến pháp quy định bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; làm sâu sắc thêm nguyên tắc suy đoán vô tội, khẳng định người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Bổ sung và khẳng định quyền được xét xử công bằng - lần đầu tiên Hiến pháp nước ta quy định quyền quan trọng này, đây chính là điều kiện cần thiết để bảo đảm cho tranh tụng được thực hiện. Khẳng định “xét xử công khai” để bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bổ sung và khẳng định quyền được xét xử kịp thời trong thời hạn luật định.

Hiến pháp mới đề cao và bảo đảm quyền bào chữa (người bị buộc tội có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa); các luật tố tụng có nhiệm vụ thiết lập các cơ chế để người bị buộc tội thực hiện quyền Hiến định quan trọng này. Khẳng định trách nhiệm của Nhà nước phải bồi thường nếu để xảy ra oan, sai; các cán bộ tư pháp làm oan, sai có trách nhiệm bồi thường. Bổ sung nguyên tắc kiểm soát quyền lực tư pháp; có cơ chế kiểm soát bên trong, kiểm soát từ bên ngoài, kiểm soát giữa các khâu, các giai đoạn tố tụng; kiểm soát của các cơ quan chuyên môn; kiểm soát của cơ quan dân cử và nhân dân.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; không ai được phép áp đặt hay can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán. Thẩm phán có quyền và có nghĩa vụ xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình. Để bảo đảm nguyên tắc này, TANDTC quán triệt toàn hệ thống Tòa án: Không được hạn chế thời gian dành cho tranh tụng; các vấn đề nêu ra trong tranh tụng phải được giải quyết đến cùng, không bị bỏ lửng và phải được thể hiện trong bản án; mọi chứng cứ, ý kiến nêu ra đều phải được Hội đồng xét xử quan tâm như nhau, những chứng cứ, ý kiến không được chấp nhận phải ghi rõ lý do trong bản án. Tòa án tuyên án phải trên cơ sở kiểm tra chứng cứ công khai tại phiên tòa và quá trình tranh tụng.

Thành tựu nổi bật trong 15 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp

Chánh án TANDTC phát biểu tại Hội nghị sơ kết 3 năm nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị

Để thế chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành đồng bộ các luật về tổ chức các cơ quan tư pháp, điển hình là: Luật Tổ chức TAND năm 2014; Luật Tổ chức VKSND năm 2014; Luật Tổ chức Cơ quan điều tra năm 2015. Các luật này đã thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng liên quan đến các cơ quan tư pháp; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp các nước trên thế giới, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và truyền thống văn hóa, pháp lý của nước ta, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành các luật về nội dung tư pháp gồm các đạo luật: BLHS năm 2015 gồm 426 điều; trong đó sửa 362 điều, bổ sung mới 73 điều, giữ nguyên 17 điều, bãi bỏ 8 điều. BLHS năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. BLDS năm 2015 gồm 6 phần, 27 chương và 689 điều với nhiều chế định mới, tiến bộ nhằm đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ dân sự đa dạng trong tình hình mới. Quốc hội cũng ban hành các luật về hình thức tư pháp gồm các đạo luật: BLTTHS năm 2015; BLTTDS năm 2015; Luật TTHC năm 2015 với rất nhiều nội dung mới bám sát yêu cầu cải cách tư pháp. Quốc hội cũng kịp thời ban hành các luật về bổ trợ tư pháp gồm các đạo luật: Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi năm 2012), Luật Giám định tư pháp năm 2012, Luật Công chứng năm 2006…

Hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp

Đối với Cơ quan điều tra, phân định hợp lý thẩm quyền giữa các cấp của Cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra cấp huyện, cấp tỉnh điều tra hầu hết các vụ án. Cơ quan điều tra cấp trung ương chỉ điều tra đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy để điều tra lại hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều địa phương hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia. Phân định hợp lý thẩm quyền giữa Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Điều tra viên. Điều tra viên được tiến hành hầu hết các biện pháp có tính chất phát hiện hoặc làm sáng tỏ sự thật vụ án. Thủ trưởng Cơ quan điều tra có các thẩm quyền có tính chất quyết định việc “đóng, mở” tố tụng và các thẩm quyền liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt gồm: ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Đối với VKSND, đổi mới bộ máy theo 4 cấp gồm: VKSNDTC, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện; phân định hợp lý thẩm quyền giữa Viện trưởng và Kiểm sát viên. Kiểm sát viên được tiến hành hầu hết các biện pháp có tính chất phát hiện hoặc làm sáng tỏ sự thật vụ án. Viện trưởng có các thẩm quyền có tính chất quyết định việc “đóng, mở” tố tụng và các thẩm quyền liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Tăng cường chức năng điều tra, truy tố các tội xâm phạm tư pháp: do chủ thể tội phạm đặc biệt (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên…) nên áp dụng cơ chế đặc biệt, gắn điều tra và truy tố trong Viện kiểm sát. Chỉ giao thẩm quyền cho VKSNDTC và gắn với quyền lực cao nhất là Viện trưởng VKSNDTC.

Đối với TAND, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước ta, Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. TAND tuân thủ nguyên lý hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Bộ máy tổ chức của TAND được đổi mới thành 4 cấp gồm: TANDTC, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện. Phân định hợp lý thẩm quyền giữa Chánh án và Thẩm phán ở giai đoạn trước khi mở phiên tòa. Thẩm phán được tiến hành hầu hết các biện pháp có tính chất phát hiện hoặc làm sáng tỏ sự thật vụ án. Chánh án có các thẩm quyền có tính chất quyết định việc “đóng, mở” tố tụng và các thẩm quyền liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Các Tòa án đổi mới tổ chức phiên tòa theo hướng tiếp thu hạt nhân hợp lý của mô hình tranh tụng; đổi mới cả nội dung và hình thức tố tụng như việc bố trí lại mô hình phòng xử án nhằm thực hiện nguyên tắc của Hiến pháp về bảo đảm tranh tụng và công bằng trong xét xử, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước tăng cường sự giám sát của các cơ quan dân cử đối với cơ quan tư pháp bằng nhiều hình thức giám sát; tạo các cơ chế để cơ quan báo chí, người dân giám sát các cơ quan tư pháp. Đặc biệt, Tòa án có cơ chế tạo thuận lợi để người dân giám sát hoạt động tư pháp, như: công khai bản án trên mạng; bước đầu tiến hành thụ lý đơn qua mạng; công khai quy trình, thủ tục tư pháp; thực hiện cải cách hành chính tư pháp một cửa…

Theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị thì Viện kiểm sát, Tòa án phải có nhân sự tham gia cấp ủy cùng cấp; trong 15 năm các cơ quan chức năng đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp. Các cấp ủy, tổ chức Đảng ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa cơ chế lãnh đạo của Đảng với tư pháp; thực hiện chặt chẽ, thường xuyên công tác cán bộ. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp;  thực hiện cơ chế giao ban định kỳ với các cơ quan tư pháp. Hệ thống cơ quan tham mưu về công tác nội chính được tái thành lập và kiện toàn từ Trung ương đến các tỉnh ủy, thành ủy.

Xây dựng đội ngũ chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Hiện nay, đội ngũ cán bộ TAND và VKSND các cấp có trên 15.000 người; 100% cán bộ đạt trình độ đại học trở lên. Việc đổi mới hệ thống ngạch chức danh tư pháp từ cấp hành chính (huyện, tỉnh, tối cao) sang ngạch nghiệp vụ (sơ cấp, trung cấp, cao cấp, tối cao); mỗi cấp có thể bố trí nhiều ngạch Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên đã đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ án. Đổi mới ngạch Thẩm phán TANDTC và ngạch Kiểm sát viên VKSNDTC. Thẩm phán TANDTC do Quốc hội phê chuẩn, kèm theo đó là tăng tuổi công tác, tăng chế độ, tăng trách nhiệm.

Thành tựu nổi bật trong 15 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp

Hội nghị rút kinh nghiệm công tác xét xử của TAND

Hệ thống TAND áp dụng chế độ thi tuyển chức danh tư pháp thay cho chế độ xét tuyển. Việc thi tuyển chức danh Thẩm phán được thực hiện thông qua Kỳ thi tư pháp quốc gia. Việc áp dụng chế độ thi tuyển đã góp phần khắc phục những hạn chế, tùy tiện, cảm tính trong bổ nhiệm chức danh tư pháp thời gian qua; buộc mỗi cán bộ phải tự học, tự đào tạo mới có thể vượt qua kỳ thi; từ đó góp phần nâng cao chất lượng từng cơ quan tư pháp cũng như cả hệ thống tư pháp. Cải cách thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp (Luật cũ: bổ nhiệm lần đầu và bổ nhiệm lại đều nhiệm kỳ 5 năm. Luật mới: bổ nhiệm lần đầu nhiệm kỳ 5 năm và bổ nhiệm lại nhiệm kỳ 10 năm). Cụ thể hóa tiêu chuẩn của từng ngạch chức danh tư pháp (sơ cấp, trung cấp, cao cấp, tối cao) để minh bạch trong bổ nhiệm và thuận lợi cho cán bộ căn cứ để phấn đấu, rèn luyện (Luật cũ quy định chung chung, không rõ ràng). Việc ban hành “Bộ quy tắc chuẩn mực đạo đức và ứng xử của Thẩm phán” là cơ sở để mỗi Thẩm phán tự tu dưỡng, rèn luyện, đề cao đạo đức nghề nghiệp, tăng cường liêm chính tư pháp; đồng thời để Nhà nước và xã hội có căn cứ giám sát, đánh giá năng lực và phẩm chất của Thẩm phán.

Cùng với đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng tăng cường bảo đảm các điều kiện hoạt động cho cơ quan tư pháp. Công tác đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp và xây dựng các cơ sở đào tạo luật, đào tạo các chức danh tư pháp ngày càng được quan tâm. Nhiều trụ sở làm việc, kho tang vật được đầu tư xây dựng; tăng cường phương tiện làm việc, trang thiết bị nghiệp vụ và phương tiện đi lại phục vụ công tác; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử.

Trong 15 năm cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Việt Nam luôn đẩy mạnh hợp tác quốc tế về tư pháp trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, nước ta đã có quan hệ hợp tác về tư pháp, pháp luật với gần 100 quốc gia và tổ chức quốc tế. Việt Nam cũng tham gia nhiều định chế tư pháp quốc tế như: Interpol; Hiệp hội Công tố viên quốc tế; Hội đồng Chánh án thế giới và khu vực; Tòa án trọng tài thường trực PCA; đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định đa phương, song phương (các Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định dẫn độ, Hiệp định chuyển giao người chấp hành hình phạt tù…). Việt Nam cũng chủ động hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như xây dựng pháp luật; trao đổi kinh nghiệm; trao đổi thông tin; đào tạo cán bộ; hỗ trợ nguồn lực; hỗ trợ nhau trên các diễn đàn quốc tế… Quá trình tham gia, Việt Nam đã chuyển từ tôn trọng, thừa nhận, cam kết thực thi sang chủ động đề xuất, sáng kiến. Kết quả hợp tác quốc tế về tư pháp đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của các cơ quan tư pháp Việt Nam trên trường quốc tế.

Với chiến lược cải cách tư pháp tổng thể cùng lộ trình dài hạn 15 năm, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã từng bước khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập của công tác tư pháp, đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra; bảo đảm đồng bộ với cải cách lập pháp và cải cách hành chính. 15 năm cải cách tư pháp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW. Nhiệm vụ đặt ra đối với việc tổng kết là phải tổ chức nhiều hình thức tổng kết (báo cáo, hội nghị, hội thảo, trực tiếp khảo sát…) để có kết quả khách quan, toàn diện, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Kết quả tổng kết phải chỉ rõ những thành tựu đạt được; những việc chưa làm được; đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan; rút ra những bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tới.

Từ kết quả tổng kết 15 năm cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, các cơ quan chức năng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền ghi nhận trong Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Nội dung của Văn kiện (phần về công tác tư pháp) khẳng định các kết quả đạt được của cải cách tư pháp; xác định nhu cầu cải cách tư pháp định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp cho giai đoạn mới.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành tựu nổi bật trong 15 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp