Bà Trần Thị Nương, chủ Doanh nghiệp tư nhân Vạn Phước II, ở ấp Ngãi I, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh vừa có đơn kêu cứu gửi Báo Công lý.
Theo đó, chiếc sà lan LA 02278 do bà Nương đứng tên sở hữu được giao cho ông Phan Tấn Tài trông coi việc sửa chữa, sau đó đã bị Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) tỉnh Sóc Trăng xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu phương tiện. Liệu việc Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện chiếc sà lan LA 02278 có đúng luật không?
Chiếc sà lan và cần cẩu LA 02278 do ông Lê Văn Chẩn (chồng bà Trần Thị Nương) mua của một cơ sở ngày 25/12/2011. Trong quá trình giao kèo mua bán thì bất ngờ ngày 26/01/2012 ông Lê Văn Chẩn chết. Ngày 12/3/2012, bà Nương thay mặt chồng đứng ra làm thủ tục chuyển nhượng chiếc sà lan LA 02278 tại Phòng Công chứng số 1 tỉnh Long An. Sau khi mua sà lan, bà Nương có liên hệ với cơ quan chức năng để lập thủ tục sang tên. Tuy nhiên, do bà Nương bị bệnh nặng và điều trị ở TP Hồ Chí Minh nên đã thuê ông Phan Tấn Tài (ngụ ấp Long Bình, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là thợ lái cẩu lâu năm để trông coi sửa chữa phương tiện. Ngày 25/3/2012, cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng kiểm tra, phát hiện sà lan LA 02278 do ông Phan Tấn Tài trực tiếp điều khiển phương tiện khai thác cát trên Sông Hậu. Ngày 27/3/2012, Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi khai thác cát không giấy phép đối với ông Phan Tấn Tài với hình thức xử phạt chính: Phạt 15 triệu đồng; hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật phương tiện vi phạm hành chính (sà lan LA 02278).
Chiếc sà lan LA 02278 hiện đang bị tạm giữ tại Phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh Sóc Trăng
Trong đơn, ông Phan Tấn Tài cho biết: “Trong quá trình sửa chữa, tu bổ sà lan thì đến ngày 25/3/2012 cơ bản xong. Ngày 26/3/2012, tôi có đưa sà lan vào vận hành thử xem máy móc có hoạt động tốt hay không thì ngày 27/3/2012 bị đoàn kiểm tra tạm giữ sà lan. Tôi khẳng định, tôi không có khai thác cát trái phép. Nếu có vi phạm là do cá nhân tôi gây ra, không liên quan đến bà Nương vì bà Nương không biết gì về việc tôi tự điều khiển, vận hành sà lan”.
Bà Trần Thị Nương đã nhiều lần làm đơn xin miễn hình thức xử phạt bổ sung tại Quyết định số 07 ngày 2/5/2012, xin lại sà lan LA 02278 nhưng đều không được Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng giải quyết.
Theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 2/4/2008 thì khoản 5, Điều 61 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Đối với tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc sử dụng hợp pháp”. Chiếu theo quy định này thì ông Phan Tấn Tài đã sử dụng phương tiện sà lan LA 02278 trái phép để thực hiện hành vi vi phạm hành chính; chiếc sà lan LA 02278 thuộc sở hữu hợp pháp của bà Trần Thị Nương, vì vậy cần phải trả lại chiếc sà lan cho bà Trần Thị Nương.
Như vậy, việc xử lý vi phạm hành chính cần phải căn cứ theo các quy định của pháp luật. Với những gì đã xảy ra, căn cứ theo quy định pháp luật thì Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng cần trả lại phương tiện là chiếc sà lan LA 02278 cho chủ sở hữu hợp pháp là bà Trần Thị Nương, chủ Doanh nghiệp tư nhân Vạn Phước II.