Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra toàn diện các công trình, dự án điện phát triển trong 10 năm qua (2011-2021).
Theo quyết định vừa được Phó tổng thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy ký, cơ quan này sẽ thanh tra các dự án điện phát triển từ năm 2011 đến 2021. Đây là các dự án thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện VII) và quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Việc thanh tra sẽ tiến hành trong 85 ngày làm việc, tập trung vào chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng của các công trình, dự án điện này. Khi cần thiết, có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.
Quyết định này cũng đã được gửi tới UBND các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Phước, Bạc Liêu và Đăk Nông. Đây là các địa phương vừa qua có sự phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà, điện gió...
Sự phát triển và bổ sung quy hoạch nhiều dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà ồ ạt vừa qua đã gây ra quá tải nghiêm trọng cho hệ thống truyền tải điện. Điều này dẫn tới việc nhiều nhà máy điện mặt trời phải cắt giảm công suất phát, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và làm giảm động lực phát triển của loại hình năng lượng này.
Năm ngoái, Bộ Công Thương cũng thanh tra các dự án điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà tại 10 địa phương được phản ánh có sự phát triển nóng. Kết quả cuối cùng chưa được công bố, song theo cơ quan này, quá trình kiểm tra tại một số địa phương cũng phát hiện nhiều sai phạm trong phát triển điện mặt trời mái nhà.
Tại cuộc họp báo hồi tháng 1, lãnh đạo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, đã hoàn thành dự thảo kết quả kiểm tra để có thể báo cáo Chính phủ sớm nhất.
Đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện mặt trời mái nhà...) đạt 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống và tăng 3.420 MW so với 2020.