Mặc dù văn bản của Sở Công thương Thái Bình có đề nghị các đơn vị, DN thuộc ngành “thực hiện nhiệm vụ đóng góp, tài trợ kinh phí” để tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành, nhưng Thanh tra Bộ Công thương lại cho rằng việc đóng góp là “tự nguyện”.
“Tự nguyện” hay "thực hiện nhiệm vụ đóng góp"?
Ngày 25/2/2015, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1671/QĐ-BCT, do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ký về việc thụ lý giải quyết tố cáo và thành lập Tổ xác minh tố cáo đối với ông Đào Minh Hải, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Công thương, Vụ trưởng (QĐ 1671). QĐ 1671 thể hiện nhiều nội dung tố cáo, nhưng trong đó có đoạn nội dung tố cáo nêu rõ: “Nội dung thứ nhất là lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của Nhà nước, ra Công văn yêu cầu các DN và đơn vị ngành công thương Thái Bình đóng góp, tài trợ kinh phí để tổ chức Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành công thương Việt Nam năm 2011…”.
Đến ngày 16/4/2015, tại Thông báo số 202/TB-BCT (viết tắt: Thông báo 202) của Bộ Công thương, do bà Lê Thị Phương Hoa, Phó chánh Thanh tra Bộ Công thương ký về việc thông báo Kết quả giải quyết tố cáo này. Thông báo 202 có nêu kết quả xác minh: “Nội dung thứ nhất là có việc Sở Công thương tỉnh Thái Bình đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành công thương Việt Nam vào năm 2011; có việc các đơn vị, DN thuộc ngành công thương tỉnh Thái Bình tự nguyện đóng góp tài trợ cho Lễ kỷ niệm với số tiền 349.439.000 đồng. Tại Công văn số 124/SCT–VP ngày 6/4/2011 (Công văn 124), do ông Đào Minh Hải ký (thời điểm năm 2011 là Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Bình) về việc đề nghị tham gia các hoạt động kỷ niệm thuộc ngành không có cụm từ “yêu cầu” đối với các đơn vị, DN thuộc ngành…”.
Văn bản số 202/TB-BCT của Bộ Công thương
Thực chất, Công văn 124 chính là chứng cứ để Tổ xác minh, giải quyết đơn tố cáo căn cứ vào để giải quyết. Mặc dù, nội dung công văn này không có cụm từ “tự nguyện”. Nhưng kỳ lạ thay, trong Thông báo 202 về việc thông báo kết quả giải quyết đơn tố cáo lại đưa cụm từ " tự nguyện" này vào làm căn cứ để giải quyết đơn tố cáo. Trong khi chứng cứ là Công văn 124 có cụm từ “thực hiện nhiệm vụ đóng góp” thì không được Tổ xác minh giải quyết đơn tố cáo này đưa vào làm căn cứ.
Kết luận không căn cứ vào chứng cứ
Nội dung Công văn 124 có đoạn nêu: “Triển khai thực hiện Kế hoạch số 15/KH-SCT ngày 05/4/2011 của sở Công thương tỉnh Thái Bình về việc tổ chức kỷ niệm 60 năm…, đề nghị các đơn vị, DN thuộc ngành thực hiện một số nhiệm vụ sau: ... tham gia đóng góp, tài trợ kinh phí để tổ chức”.
Trong nội dung của Công văn 124 như vừa nêu, có sự khẳng định việc thực hiện nhiệm vụ đóng góp, tài trợ kinh phí là mệnh lệnh hành chính, nhưng không có cụm từ “tự nguyện”. Vậy mà, Kết quả giải quyết tố cáo do bà Hoa, Phó chánh thanh tra Bộ Công thương ký lại không căn cứ vào Công văn 124, vì Công văn 124 chính là tài liệu chứng cứ để giải quyết việc công dân tố cáo ông Đào Minh Hải. Và cũng không hiểu vì lý do gì bà Hoa ký Thông báo Kết quả giải quyết tố cáo này lại cho bổ sung thêm cụm từ: “tự nguyện” vào Thông báo 202? Trong khi bà Hoa, Phó chánh Thanh tra được bầu làm Tổ trưởng Tổ xác minh tố cáo - đang thực hiện nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Công thương giao giải quyết vụ việc tố cáo này, nhưng tự ý đưa vào các tình tiết có lợi cho người đang bị tố cáo làm sai lệch hồ sơ sự việc. Do đó, dẫn đến việc Tổ xác minh giải quyết tố cáo ra kết luận giải quyết tố cáo, khẳng định không có cơ sở vi phạm ở nội dung thứ nhất này.
Mặt khác, tại Thông báo 202 này còn nêu: “Biên bản làm việc của Tổ xác minh tố cáo, ngày 27/2/2015 nêu ý kiến của ông trong Tiểu ban Văn hóa văn nghệ có ý kiến là: Sở Công thương là cơ quan quản lý hành chính nhà nước, không có quyền ra văn bản hành chính về việc này, vì vậy việc yêu cầu các đơn vị, DN đóng góp, tài trợ kinh phí là trái với quy định của pháp luật…”.
Từ sự việc vừa nêu, đề nghị Bộ Công thương, các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.