Chương trình phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2014 – 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, tuy nhiên đến nay, thẻ tín dụng chỉ chiếm 7% trong các giao dịch mua hàng trực tuyến, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất, chiếm 64%.
Thị trường thanh toán điện tử Việt Nam bắt đầu phát triển từ năm 1990 với sự xuất hiện của máy chấp nhận thanh toán (POS) và thẻ thanh toán quốc tế. Sau 25 năm, phương thức này đã có những bước tiến vượt bậc, song hành với nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng và sự phát triển của các kênh bán lẻ hiện đại. Dù vậy, thanh toán điện tử tại Việt Nam vẫn phát triển chưa xứng với tiềm năng.
Trong lĩnh vực hành chính công, ngành thuế nhiều năm qua đã nỗ lực tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục điện tử và từ 1/12/2015 đã yêu cầu các ngân hàng dừng thu thuế bằng tiền mặt tại quầy. Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy đến ngày 9/12, 92% doanh nghiệp trên cả nước đã đăng ký làm thủ tục thuế điện tử nhưng mới có 66% nộp theo hình thức này, trong khi mục tiêu đến cuối năm nay phải có 90% doanh nghiệp nộp qua đường điện tử. Phương thức này cũng chưa áp dụng được với các hộ kinh doanh cá thể nộp thuế khoán và thiếu chế tài đối với việc không thực hiện nộp thuế điện tử.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương năm 2014, thẻ tín dụng chỉ chiếm 7% trong các giao dịch mua hàng trực tuyến, tiền mặt (COD) vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay, chiếm 64% trong khi doanh số mua hàng trực tuyến của người Việt ước tính khoảng gần 4 tỷ USD.
Báo cáo của Hiệp hội Thẻ ngân hàng cho thấy đến hết năm 2014, cả nước đã có gần 170.000 POS được lắp đặt trên toàn quốc, tăng 1.330% so với năm 2006. Tuy nhiên, giá trị giao dịch thanh toán qua POS lại tăng chậm hơn và hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với rút tiền mặt tại ATM. Cuối năm 2014, doanh số rút tiền mặt tại ATM lên đến gần 1,1 triệu tỷ đồng, trong khi phần thanh toán qua POS chỉ hơn 106.000 tỷ đồng.
Điều này đang trở nên đáng lo ngại và là nỗi trăn trở của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan hữu quan trong quá trình triển khai thực tiễn; đồng thời, việc thanh toán điện tử chưa được tiến hành hiệu quả rộng khắp, về phương diện phát triển, đó cũng là sự thiệt thòi đối với chính các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân khi chưa được hưởng thụ sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, những công nghệ mới, kỹ thuật mới của kỷ nguyên số cho phép phát triển những phương thức thanh toán mới, trong đó phát triển thanh toán điện tử là một xu hướng của thời đại mới, nhằm tạo chuyển biến có tính cách mạng, làm thay đổi bộ mặt xã hội.
Lợi ích thấy rõ, nhưng hiệu quả triển khai thấp
Theo ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã có nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Quá trình triển khai đã đạt được những thành tựu đáng kể, tạo kết nối thông suốt trong toàn hệ thống, với mạng lưới rộng khắp toàn quốc, cung cấp nhiều hình thức thanh toán điện tử hiện đại. Tuy nhiên, thực tế thanh toán điện tử vẫn còn rất thấp. Năm 2014, mua bán trực tuyến đạt doanh số 3 tỷ USD, nhưng thanh toán điện tử chỉ chiếm khoảng 5%. Số lượng POS lắp đặt đã tăng nhanh, dự kiến có thể đạt 250.000 POS cuối năm 2015, tuy nhiên số lượng thanh toán chưa nhiều.
300 đại biểu đến từ Chính phủ, Bộ ngành và các tổ chức trong nước và quốc tế đã tham dự diễn đàn
Ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết, năm 2015 khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19, và gần đây nhất là Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, thể hiện rõ tầm quan trọng của Chính phủ điện tử; trong đó khâu thanh toán điện tử. Dựa trên chiến lược dài hạn đó, Tổng cục Thuế đã triển khai cung cấp toàn diện các dịch vụ thuế điện tử, bao gồm: đăng ký, kê khai và nộp thuế điện tử; tổ chức các đợt trao đổi, ký kết thoả thuận hợp tác triển khai nộp thuế điện tử với các ngân hàng thương mại, bao gồm cả các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Dịch vụ nộp thuế điện tử đã góp phần tiết kiệm tối đa thời gian và nhân lực của doanh nghiệp cho việc nộp thuế; đồng thời hạn chế sai sót khi kê khai, thanh toán thuế và được cơ quan thuế xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế ngay tại thời điểm thực hiện giao dịch, được dư luận xã hội đánh giá cao.
Hiện, ngành thuế đã ký thỏa thuận với 43 ngân hàng, trong đó 27 ngân hàng trong nước và 3 ngân hàng nước ngoài đã chính thức cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử. Đến cuối tháng 11 đã có 92% doanh nghiệp kê khai nộp thuế điện tử nhưng việc nộp thuế thì lại chưa cao.
Khẳng định lợi ích của thanh toán điện tử, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, áp dụng thu thế trực tuyến đồng bộ sẽ góp phần vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp. Nộp thuế điện tử cũng là động lực khiến doanh nghiệp đổi mới mô hình quản trị theo hướng minh bạch, hiện đại hơn để bắt kịp xu hướng thay đổi của quốc tế và những quy định của cơ quan quản lý Nhà nước.
Phân tích tình hình thực tế, ông Lộc cho rằng, việt Nam đang tham gia hai cuộc cách mạng mang tính thời đại là FTA và công nghệ thông tin. Để hội nhập sâu rộng vào thế giới, Việt Nam cần phải đẩy mạnh việc thanh toán điện tử. "Thanh toán tiền mặt là trở ngại cho việc tham nhũng, không minh bạch. Sử dụng tiền mặt là văn hoá của người Việt từ lâu, khi vào cuộc chơi hội nhập với hàng loạt các cường quốc công nghệ thông tin, chúng ta phải đảo ngược tình thế phải thanh toán điện tử”, ông Lộc bày tỏ quan điểm.
Cần phối hợp đồng bộ và tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp
Phân tích nguyên nhân việc nộp thuế điện tử còn chưa đạt được kết quả như mong đợi, ông Nguyễn Đại Trí cho rằng, có nhiều nguyên nhân. Ở góc độ chủ quan ngành thuế có một số hoạt động cần điều chỉnh, cụ thể, việc sử dụng chữ ký số, ở đâu đó còn nhiều thủ tục. Chính sách tuyên truyền cũng cần sâu rộng hơn. Về phía khách quan từ doanh nghiệp, theo ông Trí, có nhiều đơn vị hạ tầng tốt, trong khi không ít công ty thì chưa đáp ứng được điều này. Do đó, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng sẵn sàng tham gia vào công cuộc thanh toán điện tử.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, thời gian qua các ngân hàng đã tích cực tham gia quá trình thu thuế điện tử. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại thực tế là số doanh nghiệp đăng ký thuế điện tử nhiều, nhưng thực nộp còn khiêm tốn. Theo ông Thắng, một trong số nguyên nhân quan trọng là do việc nộp thuế điện tử liên quan đến công nghệ thông tin của nhiều phía.
Từ đó, để khắc phục tình trạng này, ông Thắng cho rằng cần phải có sự phối hợp đồng bộ. Bên cạnh đó, để doanh nghiệp, người dân chấp nhận phương thức mới này cần phải có một vài ưu đãi. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp đạt được một khoản thu qua thanh toán điện tử sẽ miễn giảm các nghĩa vụ khác. Phí thẻ sẽ được xây dựng rất hợp lý để vừa minh bạch hoá, vừa cổ vũ doanh nghiệp.
Về thương mại điện tử, ông Thắng cho rằng cần tích hợp giữa hệ thống công nghệ trong mua bán trên mạng và thanh toán online, thuận lợi nhưng phải an toàn. Khách hàng mua hàng xong thanh toán được ngay, có cơ chế cho khách hàng đổi trả lại hàng.
Để tạo thuận lợi cho việc thanh toán điện tử nhằm thúc đẩy thu thuế điện tử, ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, cần một hệ thống chuẩn đồng bộ giữa các bộ ngành, người dân đảm bảo hệ thống giao dịch và thanh toán liên ngân hàng ổn định. Không nên để tình trạng Kho bạc Nhà nước mở tài khoản tại một ngân hàng và người dân lại mở tài khoản ở một ngân hàng không có kết nối với nhau. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc để ban hành hệ thống chuẩn này.
Nhìn nhận ở góc độ các doanh nghiệp – đối tượng trực tiếp tham gia thanh toán điện tử, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam đã chọn thuế và hải quan là hai lĩnh vực tiên phong trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính.
Theo ông Lộc, điều quan trọng nhất để đẩy mạnh thu nộp thuế điện tử là các cơ quan phải tạo niềm tin cho doạnh nghiệp và người dân. Niềm tin này được xây dựng từ phần cứng và phần mềm. Trong đó, phầm mềm phải được đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, thiết kế tối ưu... cần phải hướng đến chuẩn quốc tế.
Về phần cứng, Nhà nước cần phải đầu tư, huy động các doanh nghiệp công nghệ thông tin cùng chung tay vào công cuộc xây dựng hệ thống thu thuế điện tử. Phải đảm bảo hệ thống thông suốt, không tắc nghẽn vào hạn chót nộp thuế khiến doanh nghiệp bị phạt.
Đồng thời, các công ty công nghệ thông tin phải phối hợp chặt chẽ với ngành tài chính, ngân hàng tổ chức các sự kiện thúc đẩy thu thuế điện tử. Mở các khoá đào tạo về nộp thuế điện tử cho các hiệp hội doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp dễ dàng thao tác nộp thuế điện tử.