Những ngày qua, trên facebook; zalo hay bất kỳ một trang mạng xã hội nào không lạ khi xuất hiện các dòng trạng thái “TP. Hồ Chí Minh cố lên; TP. HCM mạnh mẽ, chiến thắng….”
Ngoài những hành động thiết thực, đó là cách người dân Việt gửi tình yêu thương đến thành phố mang tên Bác trong giai đoạn cao điểm chống dịch.
"Biết ơn TP. HCM”! đó là câu nói mà nhiều người dân làng tôi vẫn hay nói với nhau. Bởi làng tôi ngày xưa nghèo lắm, nhiều người thoát ly đều chọn TP. HCM là điểm đến gửi niềm tin thay đổi cuộc đời. Và cũng nhờ TP. HCM, nhiều mái nhà tranh của làng thay thế bằng nhà ngói, về mùa mưa bão không còn lo cảnh trong nhà cũng như ngoài trời.
Cha tôi nhớ lại: “May có TP. HCM sầm uất, nhiều việc làm người dân quê mình vào đó chăm chỉ làm ăn, nên giờ mới có nhà cao cửa đẹp như hôm nay. Xem trên tivi, thấy TP. HCM tấp nập giờ nằm yên để chiến đấu với Covid mà thương, mà thèm được nhìn cảnh tắc đường, nhộn nhịp. Thèm nghe tiếng người rao bán hàng rong đêm, ngày hay đơn giản là những quán bia vỉa hè dành cho những người lao động nghèo uống để hạ nhiệt sau một ngày làm việc trong nắng oi ả của TP. HCM”.
Trong mắt mỗi người dân Việt, TP. HCM là thành phố không ngủ, cứ nhắc đến TP. HCM là sầm uất, náo nhiệt. Thế nhưng, đại dịch Covid-19, buộc thành phố phải sống chậm lại.
Những ngày qua, hình ảnh về người dân lao động tự do, cuộc sống của công nhân tại các khu công nghiệp phải oằn mình vì Covid-19 khiến anh chứng kiến cũng xót xa.
Thế nhưng, chúng tôi động viên nhau: “Mấy ngày này, xem như cho TP. HCM nghỉ sức xíu, mấy chục năm sau giải phóng, TP. HCM một lúc làm nhiều nhiệm vụ: vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa phát triển kinh tế xã hội, lúc này là cơ hội “nghỉ” hiếm có, “nghỉ” để bứt phá và phát triển mạnh mẽ hơn”.
“Chúng tôi luôn bên cạnh bạn, TP. HCM thân yêu” đó là những lời động viên mà ai cũng cay khóe mắt. Để chi viện cho TP. HCM ruột thịt, hàng trăm y bác sĩ ngành y tế cả nước đã tình nguyện lên đường, hàng trăm sinh viên ngành y gác bút, tạm dừng việc học để lên đường làm nhiệm vụ với chung suy nghĩ tất cả đều hướng về TP. HCM thân yêu.
Đồng bào ở các tỉnh đồng lòng chi viện cho TP. HCM, như người dân Huế, Quảng Bình, Quảng Trị làm muối sả, góp bầu, bí, gạo, đồ khô gói gém cẩn thận để gửi vào. Còn Lâm Đồng với chương trình “Chuyến xe yêu thương”, sau 1 tuần vận động đã hỗ trợ TP.HCM hơn 120 tấn củ, quả, trái cây các loại, hàng chục tấn gạo tấn gạo, hàng trăm thùng mì ăn liền, các loại nhu yếu phẩm cần thiết khác và tiền mặt để chi viện cho TP. HCM chống dịch.
Những câu chuyện đó làm tôi nhớ đến khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.
Thành phố Hồ Chí Minh cố lên.