Ngày 24/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề “Xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh; thúc đẩy khát vọng cống hiến và tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của thanh niên Thanh Hóa”.
Hiện nay, thanh niên của tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 1.030.000 người, chiếm 27,9% dân số và gần 50% lực lượng lao động toàn tỉnh. Trong đó, số thanh niên có mặt thường xuyên tại địa phương là 705.804 người; Thanh niên được tập hợp trong tổ chức Đoàn, Hội: 535.000 người, tỷ lệ tập hợp đoàn kết thanh niên đạt 75,8%.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 35 đầu mối cấp huyện và tương đương (trong đó 27 huyện thị, thành đoàn và 8 Đoàn trực thuộc). Với 1.518 cơ sở Đoàn, trong đó 559 Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn. Tổng số chi đoàn toàn tỉnh là 8.941 chi đoàn.
Các nội dung chính của Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 bao gồm: Thông tin, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm lo, phát triển thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; Thông tin khái quát về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thời gian qua, các chủ trương lớn, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh thời gian tới; Các nội dung chính của Chương trình phát triển thanh niên Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030.
Khái quát tình hình thanh niên của tỉnh trong giai đoạn hiện nay, những thuận lợi, khó khăn, thách thức và định hướng một số nội dung trong tìm kiếm việc làm, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhân rộng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả thông qua việc giới thiệu một số mô hình thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh... và một số văn bản liên quan đến phát triển thanh niên.
Các nội dung khuyến khích thanh niên tham gia cải cách hành chính; áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tham gia thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo... đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thanh niên đề xuất với lãnh đạo tỉnh về các giải pháp nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đồng thời góp ý đối với những bất cập trong thực hiện chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong thời gian qua và hiến kế với lãnh đạo tỉnh về các giải pháp nhằm phát huy vai trò của thanh niên đóng góp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cuộc đối thoại đã diễn ra sôi nổi, nhiều ý kiến đóng góp nêu bật vai trò của thanh niên trong thời đại mới, các ý tưởng khởi nghiệp, quyết tâm, ước mơ học tập, lao động, cống hiến cho tỉnh nhà, đất nước.
Thanh niên là lực lượng to lớn, là nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn dành sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt đối với thanh niên tỉnh nhà.
UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển thanh niên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 và nhiều Đề án, Dự án, Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển thanh niên.
Rất nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh đã được các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện với thanh niên và lực lượng thanh niên, đóng góp rất quan trọng vào thành tích nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều thanh niên đã nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, “khởi nghiệp, lập nghiệp” thành công. Ở trên bất kỳ lĩnh vực nào, các bạn trẻ đều chứng tỏ được trí tuệ, năng lực, bản lĩnh, tính xung kích, tình nguyện và sức sáng tạo.
Để khuyến khích thanh niên khởi nghiệp, tăng cơ hội tạo thêm việc làm cho thanh niên, thu hút sinh viên sau khi tốt nghiệp trở về làm việc tại địa phương, Thanh Hóa đã có những chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước về các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở cấp huyện để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt vùng nông thôn, vùng miền núi để thu hút lao động tại chỗ, tạo việc làm cho thanh niên trong tỉnh.
Đồng thời, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026; chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, vay vốn tạo việc làm tại địa phương.
Bên cạnh đó, hình thành Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ thanh niên tham gia vào các dự án, các chương trình khởi nghiệp. Tăng cường các hoạt động thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; tăng cường các hoạt động hướng nghiệp và hỗ trợ thanh niên học nghề theo quy định của pháp luật. Cùng với các chính sách của tỉnh, thanh niên cần phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ về tay nghề, tác phong công nghiệp, rèn luyện thể lực và chủ động học ngoại ngữ, có như vậy mới đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số hiện nay; góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu.
Các đơn vị đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tuần, đồng thời còn có các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố, khu công nghiệp tập trung đông người lao động và các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các địa phương thiếu hụt lao động... nhằm tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động để người sử dụng lao động và người lao động gặp nhau, làm tăng cơ hội, khả năng tìm việc làm và học nghề của người lao động. Bình quân mỗi phiên giao dịch thu hút từ 20 đến 30 doanh nghiệp và từ 800 đến 1.000 người lao động tham gia.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đánh giá cao không khí dân chủ, cởi mở, sôi nổi của cuộc đối thoại. Nhiều câu hỏi đúng, trúng với các vấn đề tuổi trẻ quan tâm; lãnh đạo các sở, ban, ngành đã chia sẻ, giải đáp các trăn trở, nêu ra những giải pháp tốt hơn đối với thanh niên, thế hệ trẻ. Đồng thời, hội nghị cũng đưa ra những dự báo, thời cơ, thách thức trong thời gian tới liên quan trực tiếp đến thanh niên.
Thanh niên cần phải tích cực học tập và tự học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, khoa học, kỹ thuật, tay nghề. Mặt khác, đoàn viên thanh niên cũng cần phải thay đổi về định hướng nghề nghiệp, việc làm; dám nghĩ, dám làm, không trông chờ, ỷ lại; linh hoạt chọn ngành nghề khởi nghiệp, phù hợp với khả năng bản thân, nhu cầu thực tiễn, nhu cầu thị trường. Lãnh đạo tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và luôn đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, vì vậy, trong thời gian tới, sẽ có nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp được triển khai thành công, hiệu quả, góp phần phát phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng tin tưởng và kỳ vọng thanh niên tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát huy và nâng cao tinh thần xung kích, tình nguyện, vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh.