Thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai

Ngọc Mai| 10/05/2019 16:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (10/5), 100% các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có mặt tại phiên họp đã biểu quyết tán thành quyết định thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai.

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 34, sáng 10/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai: thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất; thị trấn Nhơn Trạch thuộc huyện Nhơn Trạch; 6 phường thuộc thành phố Biên Hoà. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận.

Trình bày Tờ trình về việc thành lập thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vinh Tân cho biết, điều kiện thành lập thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đó là: Đảm bảo theo đúng chủ trương quy hoạch thị trấn Dầu Giây đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại Quyết định số 3328/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2012 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn Dầu Giây sau khi được thành lập, của các xã Hưng Lộc, Bàu Hàm 2, Quang Trung sau khi được điều chỉnh địa giới hành chính, của huyện Thống Nhất và của tỉnh Đồng Nai; Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong thị trấn, tạo ảnh hưởng tích cực đối với các khu vực lân cận; Bảo đảm các đơn vị hành chính cấp xã sau khi điều chỉnh, thành lập mới đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.

Đối với việc thành lập 06 phường An Hòa, Hiệp Hòa, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, Tân Hạnh thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học tăng nhanh trong những năm qua, đã có tác động rất lớn đến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân trên địa bàn các xã An Hòa, Hiệp Hòa, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, Tân Hạnh. Quan hệ sản xuất, giao dịch hành chính, thương mại, văn minh đô thị… của người dân đã dần chuyển sang môi trường đô thị, hiện đại hơn. Từ đó làm phát sinh nhiều vấn đề khó khăn trong quản lý kinh tế, quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật, quản lý dân cư, phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường do bộ máy quản lý hành chính Nhà nước theo quy định vẫn được tổ chức theo mô hình chính quyền nông thôn.

Từ thực tế đó, việc thành lập các phường: An Hòa, Hiệp Hòa, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, Tân Hạnh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 06 xã là yêu cầu cấp bách và cần thiết, nhằm tổ chức bộ máy chính quyền đô thị để quản lý điều hành, phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Việc thành lập 6 phường nêu trên cũng phù hợp với quy hoạch chung của thành phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Về việc thành lập thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ, hồ sơ, thủ tục đề nghị thành lập thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã đáp ứng đủ theo quy định, cụ thể: Đề án đã được lấy ý kiến cử tri trên địa bàn xã Hiệp Phước về việc thành lập thị trấn Hiệp Phước, kết quả lấy ý kiến cử tri đã được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ ngày 31/8/2018; Đề án cũng đã được HĐND các cấp có liên quan của tỉnh Đồng Nai tán thành (chi tiết nêu tại Báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri và ý kiến của HĐND các cấp liên quan kèm theo). Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã hoàn thiện hồ sơ, Đề án và có Tờ trình số 13926/TTr-UBND ngày 19/12/2018 trình Chính phủ xem xét, trình UBTVQH quyết định.

Thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra

Thẩm tra các đề án thành lập một số đơn vị hành chính đô thị thuộc tỉnh Đồng Nai, thay mặt Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, việc thành lập các thị trấn và các phường thuộc tỉnh Đồng Nai là cần thiết, phù hợp với quy hoạch chung, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa cao, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Các đơn vị được thành lập về cơ bản đã đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện thành lập được quy định tại Nghị quyết số 1211 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án đã đáp ứng đầy đủ quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết về việc thành lập thị trấn.

Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, theo các Đề án của Chính phủ, sau khi tỉnh Đồng Nai thành lập 02 thị trấn và 06 phường thì số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của các đơn vị hành chính này về cơ bản vẫn được giữ nguyên do được nâng nguyên trạng từ các xã. Tuy nhiên, việc thành lập 08 đơn vị hành chính đô thị cấp xã sẽ phát sinh mới 08 đơn vị công an phường và thị trấn là các tổ chức công an chính quy. Theo các Đề án của Chính phủ thì việc này cũng không làm tăng thêm biên chế lực lượng công an tỉnh Đồng Nai. Về vấn đề này, Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan trình Đề án làm rõ hơn về việc bố trí số lượng biên chế cán bộ, chiến sỹ, trụ sở làm việc, cơ sở vật chất... của các tổ chức công an sẽ được thành lập.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc thành lập 02 thị trấn và 06 phường trên cơ sở 08 xã của tỉnh Đồng Nai là bước chuyển quan trọng từ nông thôn lên đô thị, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao hơn trước. Vì vậy, đề nghị Chính phủ và UBND tỉnh Đồng Nai có kế hoạch cụ thể đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện có của 08 xã để đáp ứng với yêu cầu quản lý của chính quyền ở đô thị.

Tại phiên họp, đại diện Chính phủ (lãnh đạo Bộ Nội vụ) và lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã trực tiếp giải trình, báo cáo làm rõ một số nội dung mà các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.

Trên cơ sở đó, 100% các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có mặt tại phiên họp đã biểu quyết tán thành quyết định thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai