Thanh Hóa: Trường Tiểu học Quảng Hưng tiếp tục bị tố lạm thu

Quốc Huy| 24/05/2018 17:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vài năm gần đây, trường Tiểu học Quảng Hưng liên tục bị phụ huynh học sinh phản ánh về việc nhà trường luôn đề ra những khoản thu trên trời. Mới đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải chỉ đạo giải quyết khiếu nại của phụ huynh hoc sinh trường này.

Đơn khiếu nại của tập thể phụ huynh trường Tiểu học Quảng Hưng (phường Quảng Hưng, TP. Thanh Hóa) gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, vào đầu năm học 2017 - 2018 trình bày:  "Chúng tôi phải đóng góp rất nhiều khoản thu cho con em chúng tôi, tôi thấy có khá nhiều khoản thu cao và bất hợp lý như: Các khoản thu các khoản dịch vụ, hỗ trợ gồm: bảo hiểm y tế (491.400 đồng/HS/năm); quỹ đội - sao (30.000 đồng); kế hoạch nhỏ (9.000 đồng); quỹ nhân đạo (10.000 đồng); thuê lao động vệ sinh sân trường, dọn nhà vệ sinh của giáo viên, HS (150.000 đồng); nước uống tinh khiết (50.000 đồng); sổ liên lạc điện tử (90.000 đồng); phí tiếng Anh phonics lớp 1 và 2 (450.000 đồng); kỹ năng sống (450.000 đồng); bảo dưỡng máy tính (63.000 đồng); trông giữ xe đạp (150.000 đồng/HS/năm)".

Trường Tiểu học Quảng Hưng

"Bên cạnh đó, chúng tôi còn phải đóng góp một số khoản thu khác như: Phụ huynh hỗ trợ trông trẻ ngoài giờ (540.000 đồng/HS/năm); xã hội hóa, mỗi phụ huynh hỗ trợ ít nhất từ 350.000 đồng trở lên; mua rèm các lớp khu nhà 3 tầng mới (100.000 đồng/HS); quỹ phụ huynh nhà trường (200.000 đồng); hỗ trợ trông con chiều; quỹ lớp + trực nhật (300.000 đồng); mua máy chiếu (442.000 đồng).

Ngoài ra, nhà trường còn phổ biến kế hoạch các khoản thu phục vụ công tác bán trú. Trong đó, tiền mua sắm và bổ sung đồ dùng phục vụ bán trú năm học 2017 - 2018 đối với HS lớp 1 là 500.000 đồng, đối với HS lớp 2, 3, 4, 5 là 200.000 đồng; tiền thu suất ăn 22.000 đồng/HS/ngày; tiền phục vụ 135.000 đồng/HS/tháng (1.215.000 đồng/HS/năm). Và chúng tôi được trả lại số tiền học kỹ năng sống 125.000 đồng, và tiền gửi xe 1 tháng là 15.000 đồng".

Mặc dù nhà trường đề ra rất nhiều khoản thu, nhưng tường rào phía cổng chính của nhà trường vẫn chưa được xây dựng

Cũng trong kỳ 2 năm học 2017-2018, chúng tôi phải đóng số tiền là: 700.000 đồng tiền học thứ 6 (thu 35 tuần * 20.000/1 tuần = 700.000 đ). Thế nhưng theo phản ánh của các phụ huynh, Hiệu trưởng nhà trường đã tự ý cắt đi 40.000đ vì 2 tuần đầu học sinh không học và thu 25% số tiền còn lại của giáo viên để chi tiêu cá nhân. Và 200.000 đồng tiền quỹ lớp, 40.000 đồng tiền giấy thi.

Thêm nữa, trong cuộc họp phụ huynh cuối năm, các học sinh lớp 5 phải đóng thêm 10.000 đồng tiền giấy thi, 20.000 đồng tiền lệ phí xét hoàn thành chương trình cho học sinh lớp 5, 50.000 đồng tiền hỗ trợ chi phí cho học sinh thi cuối kỳ 2, 100.000 đồng tiền chi phí khác. Tuy nhiên, theo phản ánh của phụ huynh, một số khoản chi cuối năm được nhà trường “chi trước”, sau đó mới thông báo tới phụ huynh.

Trước đó, từ những năm 2016, phụ huynh học sinh trường này cũng đã liên tục phản ánh đến các đơn vị có liên quan cũng như báo chí về tình trạng lạm thu tại trường Tiểu Học Quảng Hưng.

Thay vì được xây dựng cổng kiên cố, nhà trường đã sử dụng những cây tre này để bảo vệ ngôi trường và hàng trăm học sinh

Sau khi nhận được đơn khiếu nại của tập thể phụ huynh trường Tiểu học Quảng Hưng, vào ngày 23/5 vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn số 5717 đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND TP. Thanh Hóa và các đơn vị có liên quan, kiểm tra, xác minh làm rõ đơn khiếu nại của phụ huynh học sinh. Và có kết luận báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, sai phạm đến đâu sẽ có biện pháp xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể có liên quan.

Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa

Trước đó, cũng vào đầu năm học 2017-2018, trước dư luận về việc lạm thu tại trường này, Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc và chỉ ra hàng loạt sai phạm: Việc huy động xã hội hóa (XHH) khoản đóng góp tài trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà trường chưa báo cáo Phòng GD-ĐT để xin chủ trương thống nhất bằng văn bản, tổ chức vận động, mức hỗ trợ mỗi phụ huynh (tại một số lớp) là vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT, của Bộ GD-ĐT (TT 29).

Việc tổ chức dạy chương trình tiếng Anh Phonic (học sinh lớp 1,2), nhà trường hợp đồng với Công ty cổ phần phát triển Giáo dục Việt Nam tại Hà Nội để tổ chức dạy tại trường trong giờ học chính khóa là sai quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BGDĐT, của Bộ GD-ĐT (TT 03).

Việc tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống, nhà trường hợp đồng với Công ty đầu tư và phát triển Giáo dục BigBen tại thành phố Thanh Hóa, tổ chức dạy trong giờ chính khóa; chưa có tờ trình đề nghị Phòng GD-ĐT thẩm định cho phép hoạt động, vi phạm quy định tại: Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT, của Bộ GD-ĐT (TT 04).

Ban đại diện CMHS, thống nhất thu quỹ ban đại diện CMHS lớp và quỹ ban đại diện CMHS nhà trường, là vi phạm quy định tại: Điểm a, Điểm b Khoản 1, Điều 10 Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, của Bộ GD-ĐT (TT 55).

Ban đại diện CMHS nhà trường, thu tiền huy động từ phụ huynh học sinh để mua rèm các lớp học, là vi phạm quy định tại: Điểm b, Khoản 4, Điều 10, TT 55…

Qua trao đổi nhanh với PV báo Công lý, bà Lê Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng trường Tiểu học Quảng Hưng cho biết: Quy trình thực hiện xã hội hóa của nhà trường chưa làm đủ 4 bước, trước khi có sự đồng ý bằng văn bản của phường, nhà trường đã mang ra bàn bạc với phụ huynh. Còn cái kỹ năng sống nhà trường đã làm theo công văn của phòng Giáo dục và Đào tạo, thời điểm mà Thanh tra sở về kiểm tra có thể tờ trình của nhà trường chưa được phòng phê duyệt. Nhưng sau đó đã được sự đồng thuận của phòng. Đối với chương trình tiếng Anh Phonic, bà Hiền khẳng định đã được thẩm định của Bộ và sự cho phép của Sở Giáo dục và Đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Trường Tiểu học Quảng Hưng tiếp tục bị tố lạm thu