Trung tâm này tọa lạc số 577, Quang Trung 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa là nơi để dạy nghề và hỗ trợ cho nông dân Thanh Hóa. Tuy nhiên, gần hai năm nay Hội Nông dân tỉnh đã “biến” Trung tâm này thành nhà nghỉ.
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Thanh Hóa bị biến thành nhà nghỉ, karaoke
Theo tìm hiểu của PV, Hội Nông dân đã ký hợp đồng với Công ty TNHH thương mại tổng hợp Tân Thuận Phát (Cty Tân Thuận Phát) để làm nhà nghỉ, cà phê và karaoke. Tại hợp đồng số 25/HĐLK liên kết phục vụ ăn uống, giải khát, nhà nghỉ cho cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Thanh Hóa. Hợp đồng chung chung, không có bất cứ một khoản tiền hàng tháng hay hàng năm cụ thể nào cho bên “đối tác” thực hiện.
Theo nội dung hợp đồng, hai bên liên kết thời gian là 5 năm kể từ ngày 01/01/2015 đến hết ngày 31/12/2019. Bên (A) là Trung tâm vốn góp toàn bộ giá trị của số tài sản của bên A ghi trong hợp đồng. Bên (B) Cty Tân Thuận Phát có trách nhiệm đầu tư vốn để mua sắm, bổ sung thêm các trang thiết bị, đồ dùng cần thiết để phục vụ các hoạt động dịch vụ ghi trong hợp đồng và đầu tư thêm vốn lưu động.
Hàng năm căn cứ vào kết quả hoạt động dịch vụ, hai bên cùng nhau bàn bạc phân chia lợi nhuận phù hợp với vốn góp và công sức mỗi bên.
Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho thuê không đúng quy định
Trao đổi với ông Lê Văn Bá, Giám đốc Trung tâm dạy nghề này cho biết, tại trung tâm này hiện có 4 người (theo biên chế là 15). Hợp đồng liên kết này căn cứ vào pháp lệnh hợp đồng kinh tế ban hành ngày 25/9/1989 (Văn bản này đã hết hiệu lực từ lâu được thay thế bằng Luật Thương mại 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành) và căn cứ vào Thông báo kết luận số 232-TB/HNDT ngày 16/11/2014 của Thường trực Hội nông dân tỉnh.
Ông Bùi Xuân Thiên, người phát ngôn của Hội Nông dân Thanh Hóa thừa nhận: “Việc cho thuê, liên kết của Trung tâm dạy nghề là sai nhưng để không lãng phí, Hội có tận dụng cho thuê lại.”