Thanh Hoá: Tích cực “dọn ổ” đón “đại bàng”

Quốc Huy| 24/08/2020 14:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các công ty lớn, đa quốc gia bắt đầu dịch chuyển sang một đất nước năng động, thể chế chính trị ổn định, an ninh trật tự đảm bảo ở thời điểm dịch Covid-19... Trong xu thế đó, Thanh Hóa đang nỗ lực để “dọn ổ” đón “đại bàng”.

Thanh Hóa xác định phải cải thiện môi trường đầu tư, chính quyền vì dân, vì doanh nghiệp. Việc làm trước mắt là tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đi đôi với đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB)

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng vừa chủ trì Hội nghị để giải quyết vướng mắc tình hình thực hiện GPMB các dự án có sử dụng đất trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn. Tổng số dự án đủ điều kiện về thủ tục pháp lý và đang có nhu cầu thực hiện GPMB năm 2020 hiện nay trên địa bàn thị xã là 86 dự án, với tổng diện tích cần GPMB là 466,91 ha.

Kết quả thực hiện đến ngày 20/8/2020: Ban hành Quyết định thu hồi đất cho 1.637 lượt hộ. Đã trình phê duyệt phương án bồi thường: 447,79 tỷ/1.332 lượt hộ. Đã phê duyệt phương án bồi thường là 465,94 tỷ/2.288 lượt hộ (bao gồm chuyển tiếp năm 2019). Đã hoàn thành chi trả đạt 238,6 tỷ/1.696 lượt hộ. Đo đạc, kiểm kê:  458,4 ha/84 dự án. Lập phương án bồi thường: 399,46 ha/80 dự án. Hoàn thành bàn giao GPMB 259,67 ha tại 51 dự án (đạt 55,61 % kế hoạch sau điều chỉnh).

Thanh Hoá: Tích cực “dọn ổ” đón “đại bàng”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng tỉnh Thanh Hóa sẽ “cất cánh”

Trong đó, đã cơ bản hoàn thành GPMB cho dự án đường từ QL1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn. Một số dự án có tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao là Dự án xây dựng hệ thống thoát nước chống ngập úng tại phường Mai Lâm; Dự án Đầu tư các tuyến giao thông trục chính phía Tây - Khu kinh tế Nghi Sơn đoạn qua xã Tân Trường; Dự án đường dây 500kV đấu nối nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn vào hệ thống điện Quốc Gia; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017- 2020; Dự án Cảng tổng hợp Long Sơn và Phần diện tích trước bến, tuyến luồng nhánh, vũng quay tàu vào làm hàng phục vụ Dự án Cảng tổng hợp Long Sơn; Dự án đường Đông Tây 1 kéo dài - khu kinh tế Nghi Sơn...

Quá trình GPMB luôn tồn tại những khó khăn, vướng mắc về đơn giá, nguồn gốc đất, bố trí tái định cư… nhưng các cơ quan chức năng đã có kế hoạch và giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ GPMB cho các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn trong thời gian tới.

Thanh Hoá: Tích cực “dọn ổ” đón “đại bàng”

Thanh Hóa đẩy nhanh GPMB cho các dự án lớn

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, thời gian gần đây, dù số lượng dự án nhiều, nhiều khó khăn đặc thù, song UBND thị xã Nghi Sơn đã rất cố gắng, quyết liệt, cụ thể và trách nhiệm hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác GPMB để triển khai các dự án. Tuy nhiên việc GPMB một số dự án vẫn chậm, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh và yêu cầu của nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh: Việc triển khai các dự án đầu tư công, dự án của doanh nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của Thanh Hóa năm 2020. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thị xã Nghi Sơn quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB. Thị xã Nghi Sơn cần rà soát, có một kế hoạch tổng thể trên cơ sở cam kết và kế hoạch chi tiết của từng dự án để có giải pháp phù hợp trong từng thời điểm, phân công người chịu trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ để thực hiện bằng được việc GPMB cho các dự án đầu tư công và dự án của các doanh nghiêp  theo đúng cam kết đã ký với các chủ đầu tư.

Thanh Hoá: Tích cực “dọn ổ” đón “đại bàng”

Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư

Đối với một số dự án trọng điểm trong Khu kinh tế Nghi Sơn, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, dự án hoàn thành để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX như: dự án đường từ QL1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn; Dự án đường dây 500kV đấu nối nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn vào hệ thống điện Quốc Gia; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017- 2020 và một số dự án của nhà đầu tư. Yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, phối hợp với chính quyền địa phương tạo hiệu quả, hiệu lực trong công tác giải phóng mặt bằng để các dự án được triển khai thuận lợi, đúng tiến độ.

Tại Thanh Hóa, đến nay, tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đã có những chuyển biến rõ rệt, tăng từ 43,8% (thời điểm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị giao ban tháng 7/2020) lên 66,4% xếp thứ 11/63 tỉnh thành phố của cả nước về tỷ lệ giải ngân cao. Tính bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi tháng tỉnh Thanh Hóa giải ngân vốn đầu tư công đạt 600 tỷ đồng, thì riêng trong hơn 01 tháng từ ngày 15/7 đến nay, giải ngân đạt 1.157 tỷ đồng, gấp 1,9 lần bình quân mỗi tháng nêu trước đó.

Thanh Hoá: Tích cực “dọn ổ” đón “đại bàng”

Đầu tư nâng cấp Cảng Hàng không Thọ Xuân thành Cảng Hàng không quốc tế

Trong chiến lược phát triển trở thành một cực tăng trưởng mới và động lực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa tập trung xây dựng 4 trung tâm  kinh tế động lực "tứ Sơn": TP Thanh Hóa- Sầm Sơn; Trung tâm động lực phía Nam (khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn); Trung tâm động lực phía Bắc (khu vực Thạch Thành - Bỉm Sơn); trung tâm động lực phía Tây (khu vực Lam Sơn- Sao Vàng).

“Tứ Sơn” đang thu hút đầu tư và phát triển mạnh mẽ. Khu kinh tế Nghi Sơn đang có gần 100 dự án lớn đang hoạt động, trên nhiều lĩnh vực. Hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ngoài hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp nước thô, đê chắn sóng, thì cảng biển tại Nghi Sơn đang mang lại tiềm năng lớn cho phát triển các dịch vụ logistics, vận tải biển. Hiện nay, đã có 8 bến tổng hợp, 3 bến cảng chuyên dụng đã đi vào hoạt động, có thể tiếp nhận các tàu công suất đến 70.000 DWT. Cùng với đó, công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính của tỉnh trong những năm gần đây đang góp phần không nhỏ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư tại đây, Nghi Sơn thực sự là điểm đến của thành công.

Thị xã công nghiệp Bỉm Sơn (cửa ngõ phía bắc) đã khẳng định được lợi thế của một trung tâm công nghiệp, có tuyến Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam đi qua. Chỉ cách thủ đô Hà Nội khoảng 120 km, Bỉm Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư. Các ngành công nghiệp nặng như sản xuất ô tô, máy kéo 4 bánh hạng trung, vật liệu xây dựng, bao bì xi măng, nhà máy kết cấu thép... đã hiện diện tại đây. Với hệ thống hạ tầng tiếp tục được hoàn thiện, Bỉm Sơn đang trở thành bến đỗ lý tưởng cho các nhà đầu tư trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Thanh Hoá: Tích cực “dọn ổ” đón “đại bàng”

Nhiều đại dự án đổ bộ TP biển Sầm Sơn.

Vùng Lam Sơn – Sao Vàng của huyện Thọ Xuân lại được quy hoạch theo hướng công nghệ cao. Với nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư của tỉnh. Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế, dự bị cho cảng hàng không Nội Bài và kết nối trực tiếp với Khu kinh tế Nghi Sơn, tạo thành hành lang nông nghiệp công nghệ cao từ đây đi các địa phương.

TP Thanh Hóa – TP Sầm Sơn hiện là khu vực phát triển năng động đa ngành, đa lĩnh vực. Với không gian đô thị ngày càng mở rộng và hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đang thu hút nhiều dự án trọng điểm của các tập đoàn, nhà đầu tư lớn.

Đặc biệt, ngày 17/7/2020, Bộ Chính trị đã chính thức thông qua Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và lần đầu tiên đồng ý ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, mở đường cho 4 trung tâm kinh tế động lực “tứ Sơn” nói riêng, tỉnh Thanh Hóa, nói chung phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hoá: Tích cực “dọn ổ” đón “đại bàng”