Trong buổi làm việc vào chiều 5/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) Trương Hòa Bình đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh mục tiêu của buổi làm việc là đánh giá một cách khách quan, toàn diện, thẳng thắn tình hình thực tế và kết quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC tại Thanh Hóa. Qua đó, phát hiện những hạn chế, bất cập và khó khăn để có hướng tháo gỡ, khắc phục, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thăm và làm việc tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thanh Hóa
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng báo cáo tổng quát tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2018, tình hình KT-XH của tỉnh có bước phát triển mạnh; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm đạt 11%; trong đó năm 2018 đạt 15,16%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; Quốc phòng, an ninh đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH.
Về công tác CCHC năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019, qua triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp, tỉnh đã đạt nhiều kết quả. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 118 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính (TTHC) với 1.673 TTHC, tích hợp và nhập dữ liệu 1.701 TTHC vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Hiện nay, có 15 sở, ban, ngành cấp tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá TTHC với tổng số 32 TTHC, bảo đảm mục tiêu cắt giảm tối thiểu 20% thời gian giải quyết đề ra.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kiểm tra quy trình giải quyết TTHC trên Hệ thống điện tử
Năm 2018, toàn tỉnh đã tiếp nhận 2.463.339 hồ sơ, trong đó đã giải quyết và trả đúng hạn là 2.412.105 hồ sơ, đạt 97,92%, số hồ sơ quá hạn là 3.590 hồ sơ, chiếm 0,15%. 8 tháng năm 2019, toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.247.835 hồ sơ, trong đó đã giải quyết và trả đúng hạn là 1.208.425 hồ sơ, đạt 99,89%, số hồ sơ quá hạn là 1.063 hồ sơ, chiếm 0,11%.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đánh giá cao kết quả công tác CCHC tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua đánh giá thực tế, các thành viên đoàn công tác cũng chỉ ra một số điểm hạn chế và đã có ý kiến đóng góp nhằm đẩy mạnh công tác CCHC trong thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao tốc độ phát triển KT-XH của Thanh Hóa những năm qua. Đồng chí tin tưởng, với những gì đã đạt được, tỉnh sẽ còn phát triển bứt phá hơn nữa trong giai đoạn mới.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu kết luận buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa
Về công tác CCHC, đồng chí đánh giá cao những kết quả CCHC của Thanh Hóa, đồng thời chỉ rõ những tồn tại hạn chế và yêu cầu lãnh đạo các ngành, các cấp của tỉnh cần tập trung triển khai 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về phát triển KT-XH, CCHC. Trong đó, trong tâm là địa phương cần tiếp tục thực hiện CCHC gắn chặt với thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và công tác CCHC theo ngành dọc các Bộ, ngành để đảm bảo tính hiệu quả và đồng bộ, thống nhất trong CCHC của từng ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; tạo chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, làm cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thấm nhuần lời dạy và tư tưởng của Bác Hồ là, cán bộ là “công bộc của dân”, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, liêm, chính, kiệm, cần”. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ các rào cản để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng có hiệu quả nguồn lực và tài nguyên phục vụ phát triển KT-XH; kiểm soát chặt chẽ quy định thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc giải quyết quá hạn, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đảm bảo đúng nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”; Tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện CCHC của các cơ quan, đơn vị; Triển khai việc khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với các cơ quan hành chính nhà nước; tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành và các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi bổ sung những văn bản không còn phù hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương. Kịp thời tháo gỡ các rào cản trong giải quyết TTHC, hạn chế tối đa việc giải quyết hồ sơ quá hạn và không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm khách quan, trung thực, chính xác. Rà soát lại việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến hiện nay để xây dựng lộ trình, giải pháp triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 hiệu quả.