Đẩy mạnh cải cách TTHC để tạo thuận lợi cho người dân và DN

Lan Trần| 13/09/2018 10:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp từ các bộ ngành để đẩy mạnh triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC) trong thời gian tới.

Sáng 12/9, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh cải cách hành chính và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2017. Báo cáo kết quả cải cách hành chính năm 2017 và 8 tháng đầu năm của Bộ Tài chính, ông Trần Quân – Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho biết, triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm điều kiện kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch với nhiệm vụ cụ thể, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị.

Đến nay, công tác CCHC của Bộ Tài chính ngày càng được quan tâm và đi vào nề nếp, chất lượng và hiệu quả công việc ngày một rõ nét hơn, góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Bộ Tài chính coi công tác cải cách thể chế là nhiệm vụ trọng tâm. Việc nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính đã đáp ứng yêu cầu tiến độ và nội dung theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời giải quyết những vấn đề lớn phát sinh trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế.

Bộ Tài chính xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC theo hướng kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC, đánh giá tác động TTHC đầy đủ kết hợp với nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC chú trọng đối với lĩnh vực thuế, hải quan tạo thuận thợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Đẩy mạnh cải cách TTHC để tạo thuận lợi cho người dân và DN

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC của Bộ Tài chính

Những kết quả từ cải cách thể chế, cải cách TTHC và cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Tài chính đã tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được xã hội và cộng đồng người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018 được World Bank công bố, môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện mạnh, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế, cải thiện 14 bậc so với năm 2017. Đặc biệt là chỉ số nộp thuế đã có sự cải thiện ngoạn mục với 81 bậc từ thứ 167 lên vị trí 86/190 nền kinh tế.

Những kết quả cải cách trong lĩnh vực tài chính còn thể hiện qua đánh giá về chỉ số cải cách hành chính Par Index, trong 4 năm qua, Bộ Tài chính luôn nằm trong nhóm 3/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ đứng đầu về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính tính ổn định chưa cao, một số văn bản còn phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; Số lượng TTHC lĩnh vực tài chính còn lớn; Bộ máy hành chính còn cồng kềnh...

Nguyên nhân của hạn chế nêu trên gồm cả chủ quan và khách quan nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu là thủ trưởng một số đơn vị chưa coi trọng công tác CCHC, chưa chủ động triển khai, thực hiện nhiệm vụ theo phân công nên đã ảnh hưởng đến kết quả chung của Bộ. Việc tổ chức thi hành các nhiệm vụ CCHC còn thiếu sự đồng bộ, toàn diện, trong phối hợp triển khai công việc còn thiếu sự kết nối, bổ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị.

Mặc dù Bộ đã chủ động thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch, tuy nhiên, vì khối lượng văn bản được giao nhiều, có độ phức tạp cao nên ảnh hưởng phần nào đến tiến độ đặt ra. 

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác CCHC trong thời gian tới cũng đã được Bộ Tài chính đề ra như tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; Phát huy tính sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Tiếp tục triển khai, đẩy mạnh công tác cải cách TTHC để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn hiệu lực, hiệu quả; Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành tài chính đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; Cải cách tài chính công theo hướng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực góp phần đảm bảo an ninh tài chính...

Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp từ các bộ ngành để đẩy mạnh triển khai công tác CCHC trong thời gian tới.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Tài chính phải xử lý ngay các tồn tại tuy “không quá khó”, nhưng lại đang làm “mất điểm” khi đưa ra đánh giá về chỉ số cải cách hành chính. Đó là phải thực hiện đúng báo cáo hàng quý về tiến độ thực hiện chính phủ điện tử, thực hiện chế độ báo cáo đối với 25 đơn vị hành chính trong cơ quan Bộ Tài chính bằng thư điện tử và chữ ký số, công bố ngay sau khi lĩnh vực TTHC được ban hành, sớm trình xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử của Bộ Tài chính, thực hiện tuân thủ kỷ luật kỷ cương hành chính của cán bộ, nâng số TTHC mức độ 3, 4 lên 90% vào cuối năm 2019, thực hiện tiếp nhận và trả hồ sơ TTHC qua dịch vụ công ích trừ dịch vụ đã thực hiện cấp độ 3, 4.

Bên cạnh khắc phục những tồn tại này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ đạo các đơn vị sẽ phải tiếp tục đầu tư mạnh vào xây dựng thể chế chính sách, cắt giảm điều kiện kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ đối với các đơn vị chưa thực hiện...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh cải cách TTHC để tạo thuận lợi cho người dân và DN