Thanh Hóa: Sôi nổi các hoạt động trước giờ khai ấn Đền thờ Trần Hưng Đạo

Thanh Phương| 18/02/2019 13:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để phục vụ nhu cầu văn hóa giải trí của đông đảo bà con nhân dân, trước giờ khai ấn Đền thờ Trần Hưng Đạo (xã Hà Dương, Hà Trung, Thanh Hóa), chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều trò chơi dân gian độc đáo, chương trình văn nghệ hấp dẫn.

Ngay từ sáng sớm 18/2, hàng trăm người từ khắp mọi nơi đã đổ về khu vực trước đền Trần. Năm nay, Trung tâm văn hóa huyện Hà Trung phối hợp với xã Hà Dương đứng ra tổ chức các trò chơi dân gian.

Thanh Hóa: Sôi nổi các hoạt động trước giờ khai ấn Đền thờ Trần Hưng Đạo

Người dân hào hứng tham gia các trò chơi dân gian tại Lễ hội Đền Trần

Các đội chơi trong trang phục truyền thống tới từ các thôn sẽ tiến hành chia cặp chơi kéo co trong sân hình chữ nhật có chiều dài tối thiếu 28m, chiều rộng 03m. vạch giới hạn cách vạch giữa tối thiểu 02m. Mỗi thôn chon 01 đội tham gia, mỗi đội có 10 thành viên (05 nam, 05 nữ), trận đấu diễn ra 03 hiệp, đội nào thắng 02 hiệp là thắng cuộc, thời gian nghỉ giữa các hiệp đấu là 05 phút, bắt đầu hiệp 1 và hiệp 3 hai đội bốc thăm chọn quyền ưu tiên.

Thanh Hóa: Sôi nổi các hoạt động trước giờ khai ấn Đền thờ Trần Hưng Đạo

Trò chơi kéo co tại buổi lễ

Sôi nổi, hấp dẫn hơn cả là trò chơi bắt cá dưới ao bùn. Hố bắt cá đã được ban tổ chức đào sẵn, chiều dài 06m, chiều rộng 03m, bùn dày 20cm, nước sâu 30cm, thả 20 con cá chuối nặng từ 500g trở lên. Mỗi Thôn chọn ra 02 người tham gia thi đấu (01 nam, 01 nữ). mỗi đội chơi được trang bị 01 cái giỏ để bỏ cá. Cá được bắt xong sẽ làm sạch, nướng rơm thơm lựng cho bà con, du khắch cùng thưởng thức.
Nhiều hoạt động khác như múa lân, rước nước, đua thuyền trên sông, chơi cờ người, cờ tướng, kéo co, bóng chuyền, đánh đu, hát, múa trống, hò sông Mã...  tiếp tục được diễn ra trong chiều và tối nay.

Thanh Hóa: Sôi nổi các hoạt động trước giờ khai ấn Đền thờ Trần Hưng Đạo

Trò chơi bắt cá được khán giả cổ vũ rất nhiệt tình

Đền Trần (xã Hà Dương, huyện Hà Trung) nơi thờ tự Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sẽ khai ấn đầu năm trong hai ngày 14, 15 tháng Giêng để cầu mong một năm may mắn, thịnh vượng. Công tác chuẩn bị cho lễ khai ấn đã được huyện Hà Trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện khẩn trương, chu đáo. Để chủ động đảm bảo công tác an ninh trật tự, tránh tình trạng chen lấn xô đẩy, nạn cướp giật, móc túi... lực lượng công an và đội an ninh trật tự được huy động để phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự  giúp cho lễ hội diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Thanh Hóa: Sôi nổi các hoạt động trước giờ khai ấn Đền thờ Trần Hưng Đạo

Món cá nướng rơm thơm lựng được thiết đãi mọi người ngay tại buổi lễ

Lãnh đạo huyện Hà Trung cho biết, lễ hội Khai ấn Đền Trần năm nay được tổ chức quy mô, do vậy mọi công việc được triển khai đồng bộ từ in ấn giấy mời, chuẩn bị lá ấn và các công việc khác được tập trung thực hiện khẩn trương chu đáo. Dự kiến sẽ phát khoảng 10 nghìn lá ấn để phục vụ nhân dân và du khách thập phương đến dự lễ “Ban lộc đầu xuân”. 

Đền thờ Trần Hưng Đạo, ở làng Thổ Khối, xã Hà Dương, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) gắn liền với những huyền tích và dấu ấn của vị Anh hùng dân tộc Hưng đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2 vào năm 1285. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ công lao của Trần Hưng Đạo, nhân dân làng Thổ Khối lập đền thờ ông. Năm 1996, ngôi đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Thanh Hóa: Sôi nổi các hoạt động trước giờ khai ấn Đền thờ Trần Hưng Đạo

Dự kiến khoảng 10 nghìn lá ấn sẽ được phát ra trong năm nay

Đây là ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo lớn nhất ở Thanh Hóa, còn giữ được nhiều di vật, hiện vật cổ, như: Long ngai, bài vị, bát hương đá, mũ thờ, kiếm… đặc biệt là chiếc ấn cổ được truyền từ đời này sang đời khác. Từ năm 2010 đến nay, nhân dân làng Thổ Khối cùng chính quyền địa phương đã khôi phục và tổ chức lễ khai ấn tại ngôi đền này. Theo đó, đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm, lễ khai ấn Đền Trần lại được diễn ra.

Lễ khai ấn là tập tục có từ thế kỉ XIII của triều Trần, được tổ chức vào Rằm tháng Giêng hằng năm để các vua Trần tế lễ trời đất, Tổ tiên nhằm thể hiện lòng biết ơn non sông, biết ơn cha ông. Ngày nay, nó đã trở thành một điều không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam, nhất là những người con xứ Thanh. lễ hội đã trở thành dịp để con cháu bày tỏ lòng ngưỡng vọng trước những vị Thánh vương thời xưa, trước những anh hùng không tiếc xương máu để tạc dáng non sông, dựng hình đất nước. Qua bao nhiêu thế kỷ, nó đã trở thành mạch nối linh thiêng, kết nối nguồn tâm linh của dân tộc từ xưa đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Sôi nổi các hoạt động trước giờ khai ấn Đền thờ Trần Hưng Đạo