Phát hiện nguồn khoáng nóng với nhiệt độ trên 40 độ C từ năm 1997, gần 10 năm qua người dân xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đua nhau khoan giếng, mở dịch vụ tắm khoáng nóng.
Từ TP Thanh Hóa chạy gần 15 km, vượt qua cánh đồng vắng đến thôn Chín Cảnh, xã Quảng Yên mới thấy sự thay đổi của một làng quê nghèo vốn thuần nông khi người dân nơi đây biết tranh thủ của “trời cho” để phát triển kinh tế.
Con đường làng san sát với những biển hiệu “dịch vụ tắm nóng” mọc lên như nấm, khách các nơi đổ về nườm nượp với hy vọng tận hưởng nguồn nước nóng từ thiên niên.
Ông Nguyễn Văn Kinh chỉ nơi phát hiện nguồn nước nóng
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, ông Nguyễn Văn Kinh, Trưởng thôn Chín Cảnh, người đầu tiên tìm ra nguồn nước nóng kể, trước đây gia đình chủ yếu sử dụng nguồn nước mưa, sau thời gian dài nước không đủ để sinh hoạt nên gia đình ông đã quyết định đầu tư khoan giếng vào năm 1999.
Ông Kinh nhớ lại: “Khi mũi khoan xuống sâu khoảng hơn 40m thì gặp phải một tầng đá ong pha cát vàng, qua tầng đá ong thì bất chợt một nguồn nước nóng vọt lên khỏi mặt đất khiến tôi cùng nhiều người chứng kiến khi đó không khỏi ngạc nhiên”.
Sau đó, ông lấy nhiệt kế đo thử thì thấy nước có nhiệt độ trên 41 độ C, không có mùi tanh, để lâu không đổi màu. Sau thời gian dài sử dụng, ông Kinh nhận thấy nguồn nước nóng này rất dồi dào và ổn định.
Đến năm 2002, ông lên ý tưởng mở dịch vụ tắm nóng tự nhiên với mức giá 2.000đ/người và bắt đầu xây dựng 6 phòng tắm. Trung bình mỗi ngày có khoảng hơn trăm lượt khách đến tắm, do lượng khách quá đông nên ông lại tiếp tục mạnh dạn xây dựng thêm 25 phòng tắm và trang bị bể tắm.
“Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, suốt ngày quẩn quanh với mấy sào ruộng nên cuộc sống gia đình luôn trong tình trạng túng thiếu. Từ ngày mở dịch vụ tắm nóng đến nay, gia đình tôi có thêm thu nhập, con cái được ăn học đến nơi đến chốn, giờ thì đứa nào đứa nấy cũng lập gia đình cả rồi”, ông Kinh phấn khởi nói.
Nở rộ dịch vụ tắm nóng
Nhận thấy hình thức mở dịch vụ tắm nóng có thể “hái ra tiền”, lại có thêm nước sinh hoạt, nhiều hộ dân cũng đầu tư khoan giếng, có hộ khoan được, có hộ khoan tới gần chục mũi cũng đành ngậm ngùi thất vọng.
Tại nhà tắm Liễu Tình, anh Trịnh Sỹ Liễu (36 tuổi, thôn Chín Cảnh) cho biết, năm 2008 gia đình anh cũng thử khoan giếng và may mắn là trúng mạch nước nóng. Sau đó, anh Liễu quyết định đầu tư 19 phòng tắm nhưng thuộc diện bình dân. Hiện nay, giá mỗi lượt khách đến tắm chỉ khoảng từ 5.000 – 10.000 đồng/người. Tuy nhiên, nhà tắm càng ngày càng mọc lên nhiều nên dịch vụ gần như bão hòa, nếu đầu tư phòng tắm càng nhiều càng bị lỗ.
Theo thống kê của xã Quảng Yên, tính đến nay toàn xã có khoảng 20 hộ gia đình mở dịch vụ tắm khoáng nóng với khoảng 200 phòng tắm, chủ yếu tập trung ở 3 thôn là Chín Cảnh, Yên Trung và Vực 2.
Khách ở khắp nơi đổ về nườm nượp, với hy vọng chữa được các bệnh ngoài da, đau lưng, đau khớp… Bình quân mỗi ngày, xã Quảng Yên đón vài trăm khách tới tắm, đặc biệt các ngày nghỉ, ngày lễ, mùa đông, trước và sau Tết lượng khách tăng đột biến. Giá cả mỗi lần tắm luôn ở mức bình dân, từ 5.000 – 10.000 đồng tùy mức độ đầu tư của mỗi nhà chủ.
Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Yên cho biết, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt cũng nhờ mở dịch vụ tắm nóng. Tuy nhiên, cho đến nay các cơ quan chức năng đã về kiểm định nguồn nước khoáng nóng nhưng vẫn chưa có kết luận về trữ lượng, thành phần nước cũng như đánh giá chính thức về tác dụng của việc tắm nước nóng tự nhiên cho sức khoẻ con người nên chưa thể quảng bá dịch vụ, dẫn đến lượng du khách đến đây ngày một giảm dần.
Ông Khánh cũng cho biết thêm, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký quyết định cho Công ty TNHH Hải Đăng Thanh Hoá thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng, tắm nóng, tắm bùn tại thôn Chín Cảnh, xã Quảng Yên với diện tích 70.634m2, tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỉ đồng. Dự án này hứa hẹn sẽ tạo nên một điểm du lịch mới hấp dẫn du khách.