Một công trình đê để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão và cũng là đường giao thông đi lại nhưng đơn vị thi công ì ạch. Đáng lưu ý nhiều hạng mục, đất đắp đê được tận dụng gần đó chứ không thi công như thiết kế.
Công trình Nâng cấp, cải tạo đê Hón Bông (xã Hà Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa) đoạn K0- K3 có tổng dự toán hơn 7 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh. Dự án do UBND huyện Hà Trung làm chủ đầu tư. Công ty Hàn Lê (trụ sở tại Hà Nội) trúng thầu.
Quyết định của Chủ tịch UBND huyện Hà Trung
Ngày 21/11/2018, Chủ tịch UBND huyện Hà Trung Nguyễn Văn Tuấn có Quyết định số 4998/QĐ-UBND về việc Phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình: Nâng cấp, cải tạo đê tả Hón Bông, xã Hà Sơn, đoạn từ K0- K3. Mục tiêu của dự án là mở rộng, tôn cao, gia cố mặt đê để đảm bảo cao trình chống lũ để ổn định chân đê. Đảm bảo tài sản và tính mạng cho nhân dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão.
Mặt đê lầy lội như ruộng cày
Quyết định nêu rõ, trên cơ sở mặt đê hiện trạng, đắp tôn cao hoặc áp trúc bằng đất lu lèn chặt đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo mặt đê thiết kế, chiều rộng nền đê Bnền = 5,0m, tần suất mực nước lũ P=5%, cao trình đê (+8,5m), cố bằng BT M250 dày 16 cm, dưới lót một lớp ni lông tái sinh và lớp CPDĐ loại 2 dày 15 cm. Dọc theo chuyến chiều dài tuyến đê cứ 7.5 m cắt một khe lún sâu 15cm, những đoạn còn lại gia cố bằng lớp CPDĐ loại 2 dày 15 cm, lề đắp đất bằng đầm cóc, đảm bảo độ chặt yêu cầu K 95 trở lên, mái đê được trồng cỏ chống xói lở.
Đất bên ta luy bắt đầu nứt, trượt
Theo quan sát của PV, đơn vị thi công đã không tuân thủ theo thiết kế được duyệt, dùng máy móc bạt đôi thân đê hiện có một cách qua loa, không lu lèn rồi chở đất đá thải đắp lên. Chỉ cần một trận mưa nhỏ là thân đê như ruộng cày, phần mái bên ngoài nứt nở, sạt trượt. Trong thiết kế quy định đất đắp đê phải là đất K95 trở lên, lấy tại mỏ đất xã Hà Ninh (Hà Trung) cách đó hơn 10km.
Ghi nhận tại hiện trường, hàng chục lượt xe ô tô của đơn vị thi công đã đi thẳng vào mỏ đá của Công ty Thanh Thanh Tùng ngay tại xã Hà Sơn để chở đất đá thải ra đắp đê. Điều này sẽ khiến chất lượng công trình không đảm bảo, đê không có khả năng chống chọi lại với mưa lũ.
Xe chở đất đá thải từ mỏ đá gần đó không đúng theo thiết kế
Một người dân Hà Sơn bức xúc: “Công trình đê điều là để phòng chống lũ lụt cho người dân mà họ làm cẩu thả. Đơn vị thi công làm ì ạch, đất đá không kết dính”.
Trao đổi với PV, ông Phạm Hưng Long, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hà Trung cho biết: “Tôi mới về nhận nhiệm vụ tại đây nên chưa nắm hết được các dự án. Thời gian trước do người tiền nhiệm bị khởi tố, bắt giam nên Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Dũng kiêm nhiệm nắm giữ hồ sơ. Tôi chỉ có mỗi bản thiết kế dự án này, các anh làm việc với ông Dũng.”
Ngày hôm sau, khi PV trở lại Hà Trung liên hệ với Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Dũng thì được biết, đã bàn giao toàn bộ hồ sơ, thủ tục cho Ban dự án từ ngày 10/7/2019. Khi có ý kiến của Phó Chủ tịch, ông Long mới chống chế: “Nhiều hồ sơ thủ tục quá nên không nắm rõ hết được”.
Khi PV cung cấp các hình ảnh, tư liệu xe chở đất của đơn vị thi công lấy đất đá thải từ mỏ gần đó thì ông Long thừa nhận: “Đúng là đơn vị thi công đã lấy đất tại mỏ đá Thanh Thanh Tùng, việc này là sai. Ban sẽ có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh. Còn một số đoạn, đơn vị làm không đúng thiết kế phải cho kiểm tra trên thực địa mới xác định được".
Được biết, trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hà Trung, ông Phạm Hưng Long giữ chức Chủ tịch UBND xã Hà Yên. Hiện người dân đang có đơn tố cáo ông Long được bổ nhiệm làm Giám đốc Ban dự án khi chưa đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện của Thông tư 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng và Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ.