Mặc dù đã được ký hợp đồng dài hạn nhưng mấy tháng nay, nhiều lao động tại các Trạm y tế trên địa bàn huyện Đông Sơn không được trả lương theo quy định, khiến họ bức xúc.
Thời gian gần đây, nhiều lao động tại các Trạm Y tế các xã thuộc huyện Đông Sơn đã gặp phóng viên phản ánh về việc mình đã được ký hợp đồng dài hạn, nhưng nhiều tháng nay không được trả lương, phụ cấp. Tất cả 18 lao động đang rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, tâm lý hoang mang, gia đình rạn nứt do nhiều tháng nay không được cấp lương.
Cán bộ trạm y tế xã bị nợ lương phản ánh với PV
Theo trình bày của anh Nguyễn Văn Thông, SN 1989, quê xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tốt nghiệp y sỹ đa khoa, ngày 26/11/2014 sau khi hoàn thành kết quả thử việc tại Trạm Y tế xã Đông Thịnh, anh được Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Sơn Trần Huy Quang ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, xếp ngạch y sỹ trung học, mã số ngạch 16119, hưởng lương bậc 1/12, hệ số lương 1,86, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và các quyền lợi khác theo quy định hiện hành.
Thế nhưng, từ tháng 12/2015 đến nay anh Thông chưa được nhận lương từ phía cơ quan chủ quản. Bức xúc, anh đã cùng với một số người được tuyển dụng làm văn bản kiến nghị cấp trên nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
“Bắt người lao động chưa có lương làm việc như người có lương. Được tuyển vào làm y sỹ mà trang phục y tế không được trang bị thật là vô lý. Chưa kể để xin vào làm việc được ở Trạm Y tế xã, gia đình tôi phải đi vay mượn một khoản kinh phí không nhỏ để “đi đêm” mới được vào làm”, anh Thông cho hay.
Cũng tương tự trường hợp của anh Thông, chị Lê Thị Trang, SN 1992, trú thị trấn Rừng Thông, cũng được Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Sơn ký hợp đồng không xác định thời hạn từ ngày 26/11/2015 (sau thời gian tập sự ở Trạm Y tế xã Đông Minh).
Theo quyết định, chị Trang được hưởng 100% lương hệ số 1,86 từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cũng 7 tháng nay chị không hề nhận được đồng lương nào từ phía cơ quan chủ quản. Để được vào làm việc ở Trạm Y tế xã Đông Minh, theo chị Trang gia đình chị cũng mất một khoản chi phí không hề nhỏ.
“Lương là nguồn sống để chi tiêu trong gia đình hằng ngày, do nhiều tháng không được nhận lương nên gia đình tôi rất khó khăn, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn, rơi vào hoàn cảnh bi đát, tâm lý hoang mang”, chị Trang phân trần.
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn
Không chỉ anh Thông, chị Trang, theo tìm hiểu được biết tại huyện Đông Sơn có tới 18 trường hợp đã được ký HĐLĐ không xác định thời hạn, làm việc tại các Trạm Y tế các xã nhưng 7 tháng nay không được nhận lương. Trò chuyện với các lao động này, hầu hết họ đều cho rằng phải có chuyện “đi đêm” mới được vào làm việc ở các Trạm y tế xã?
Nhiều người sau khi vào làm việc đang phải gánh theo “khoản nợ” vay ngân hàng hoặc vay người thân chưa kịp làm để trả nợ. Cuộc sống của họ vốn đã khó khăn giờ lại càng khó khăn hơn. “Lao động mà không lương như chúng em hiện không còn kiên nhẫn tiếp tục bám trụ làm việc. Nhiều khi nghĩ hay tìm việc khác để kiếm kế sinh nhai, nhưng bỏ một khoản tiền mới xin được chiếc cần câu cơm, giờ mà nghỉ làm chắc rơi vào cảnh khốn cùng”, một y sỹ than phiền.
Được biết, tất cả 18 lao động được ký HĐLĐ không xác định thời hạn này đều được sự đồng ý bằng văn bản của nguyên Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa Hoàng Sỹ Bình. Ngoài huyện Đông Sơn, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có đến hàng trăm lao động cũng được Sở Y tế đồng ý cho Trung tâm y tế, Bệnh viện các huyện ký HĐLĐ dài hạn và ngắn hạn.
Trao đổi sự việc trên với PV, ông Lê Văn Khiết, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Sơn thừa nhận: “Hiện đơn vị có tới 18 lao động đã được ký HĐLĐ không xác định thời hạn, làm việc tại các Trạm y tế xã. Việc này, Thanh tra tỉnh và Thanh tra Sở Nội vụ đã về kiểm tra nhưng chưa có thông báo kết luận. Số lượng lao động này được tuyển dụng năm 2014-2015, nguyên nhân 7 tháng nay các lao động không được cấp lương là do Sở Tài chính không cấp bổ sung kinh phí. Trung tâm cũng đã kiến nghị với Sở Y tế báo cáo Sở Tài chính nhưng vẫn không được cấp".
Ông Lê Văn Khiết, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Sơn trao đổi với PV
Trước sự việc này, trung tâm cũng đã mời các lao động lên đối thoại, động viên các lao động tiếp tục làm việc, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. “Đơn vị chúng tôi rất khó khăn về kinh phí, cân đối đến cuối năm 2016 vẫn còn thiếu 1 tháng lương cho các cán bộ, viên chức. Dù chưa có chỉ đạo, nhưng đơn vị đã chủ động dùng chi phí nghiệp vụ của các Trạm Y tế để chi trả chế độ BHXH, BHYT, BHTN, 2% đoàn phí công đoàn cho 18 lao động này. Tôi mới về, không phải là người đề xuất tuyển dụng những lao động này. Thấy các cháu làm không có lương cũng rất xót thương”, ông Khiết nói.
Được biết, người ký quyết định tuyển dụng các cán bộ HĐLĐ ở các Trạm Y tế các xã là ông Trần Huy Quang, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Sơn, nay đã chuyển về làm Chánh Văn phòng Sở Y tế. Sau đó, ông Hoàng Sỹ Bình, Giám đốc Sở Y tế đã ký quyết định đưa ông Lê Văn Khiết, Phó trưởng phòng nghiệp vụ y lên thay ông Quang làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Sơn. Việc làm này của ông Bình đã làm trái với văn bản số 7369/UBND-THKL của Chủ tịch tỉnh về việc tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận viên chức, HĐLĐ và bổ nhiệm chức danh Phó trưởng phòng.
Trả lời PV vào chiều ngày 9/8, về việc phân bổ ngân sách cho các trạm y tế, lãnh đạo Sở Tài chính Thanh Hóa cho hay: "Sở chỉ cấp ngân sách trên cơ sở đã được tỉnh thông qua. Theo đó, Trạm y tế được cấp kinh phí theo vùng miền, xã đồng bằng như ở huyện Đông Sơn được cấp 190 triệu đồng/năm. Khi về tới các trạm, tùy thuộc vào việc tiết kiệm của đơn vị mà chi trả cho các trường hợp hợp đồng. Theo hướng dẫn Nghị định 117/2014/NĐ-CP, ngày 08 tháng 12 năm 2014 quy định về y tế xã, phường, thị trấn số lượng người làm việc tại Trạm Y tế xã nằm trong tổng số người làm việc của Trung tâm Y tế huyện được xác định theo vị trí việc làm trên cơ sở khối lượng công việc phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế ở địa phương theo vùng miền. Việc bố trí, sắp xếp con người là trách nhiệm của ngành y tế".
Trước đó, Báo Công lý đã phản ánh việc ông Hoàng Sỹ Bình, nguyên Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa ban hành 3 văn bản trái luật về tuyển dụng viên chức, hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế và y tế xã, phường thị trấn, không báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Bình và thuộc cấp đã ký quyết định tuyển dụng 3.721 người (hợp đồng không xác định thời hạn 1.291 người, hợp đồng xác định thời hạn 1.640 người), luân chuyển, bổ nhiệm nhiều cán bộ trái quy định, gây bức xúc trong dư luận xã hội.