Nhiều người dân ở xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, bò từ Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đầu tư phát triển chăn nuôi bò giống sinh sản họ được nhận không đảm bảo chất lượng.
Tháng 12/2018, UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) phê duyệt “Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đầu tư phát triển chăn nuôi bò giống sinh sản”, từ chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo đó, xã Hoằng Phụ là một trong những địa phương của tỉnh được hưởng lợi từ chương trình này.
Bò dự án hỗ trợ cho người dân xã Hoằng Phụ bị tố không đảm bảo chất lượng
Cụ thể, tổng kinh phí thực hiện dự án là 493.850.000 đồng, vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia là 300.000.000 đồng, vốn các hộ nghèo tham gia chương trình là 190.800.000 đồng, huyện giao trách nhiệm cho UBND xã Hoằng Phụ tổ chức mua bò giống sinh sản đạt chất lượng, được kiểm dịch, đóng số và có nguồn gốc để trao cho 24 hộ nghèo và cận nghèo của xã nhằm phát triển ngành chăn nuôi của địa phương và cải thiện kinh tế hộ gia đình. Mức hỗ trợ hộ nghèo 10 triệu tiền bò, 2 triệu tiền chuồng, hộ cận nghèo 8 triệu tiền bò, 1,6 triệu tiền chuồng.
Bò giống sinh sản trước khi về đến xã phải qua đăng ký kiểm dịch tại địa phương của đơn vị cung ứng và phải thực hiện đầy đủ các bước tiêm phòng nhằm đảm bảo con giống tốt, khỏe mạnh không bị dịch bệnh. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều hộ dân trong diện được hỗ trợ thì những con bò giống khi về đến xã thực tế lại không như vậy.
Xã Hoằng Phụ nơi người dân được hỗ trợ bò giống phát triển kinh tế
Chị Chu Thị Gấm, thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa), một trong những hộ nghèo được nhận bò từ dự án chia sẻ: “Sau nhiều lần bình xét thì gia đình tôi được UBND xã giao bò từ dự án. Điều kiện kinh tế khá khó khăn, con bị bệnh nặng nhiều năm nay phải chạy chữa khắp nơi. Từ khi gia đình được công nhận hộ nghèo và được nhận bò từ chính sách hỗ trợ bò sinh sản của nhà nước, gia đình tôi rất vui mừng. Thế nhưng lúc nhận bò gia đình tôi vừa vui lại vừa thất vọng, thất vọng vì bò giống khá nhỏ, gầy gò, không phải bò lai sinh sản mà là giống bò ré nhỏ con”.
Đến nay sau 3 tháng được nhận bò từ chương trình các hộ dân đã bỏ nhiều công chăm sóc nhưng bò giống sinh sản nhận về vẫn không được cải thiện về trọng lượng. Điều đáng nói là, những hộ dân này tỏ ra nghi ngờ về khả năng sinh sản của những con bò giống này vì đây là giống bò ré, nhỏ con, khả năng sinh sản kém, tốn nhiều công chăm sóc. Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ tiền xây dựng chuồng trại đến nay vẫn chưa nhận được.
Bà Trương Thị Tuyền, thôn Sao Vàng (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa) cho biết: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên trông mong được nhận bò giống để có điều kiện chăn nuôi, phát triển kinh tế. Nhưng khi ra trụ sở xã bốc thăm, nhận bò thì tôi rất thất vọng vì con bò nhỏ, lông xù có dấu hiệu bớt xén trọng lượng, không đúng với giá tiền mà nhà nước đã hỗ trợ. Trong hồ sơ giao nhận bò không hề có giấy tiêm phòng hay kiểm dịch theo quy định từ đơn vị cung ứng. Ngoài ra, trong dự án là gia đình tôi được nhận thêm 2 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng chuồng trại trước khi nhận bò, nhưng bò giống gia đình tôi đã nhận, còn tiền hỗ trợ xây dựng chuồng trại đến nay vẫn chưa nhận được”.
Trong tổng số tiền 300 triệu đồng hỗ trợ cho dự án, xã Hoằng Phụ đã chi 285 triệu đồng chi cho việc mua bò, số tiền 15 triệu đồng còn lại chi cho những cuộc họp bình bầu, xét duyệt các hộ nghèo tại thôn, xã.
Người dân cho rằng bò dự án giống nhỏ, gầy gò
Vì kinh phí chi cho phát triển dự án này đã hết và không có nguồn khác nên địa phương không thuê cán bộ thú y để hướng dẫn cách chăm sóc, cho ăn uống, vệ sinh chuồng trại cũng như chăm sóc khi bò bị bệnh.
Theo lời bà Phùng Thị Thêm, cán bộ xã Hoằng Phụ: Trong hướng dẫn của cấp trên số tiền chi cho hội họp, bình xét không quá 10%. Chính quyền địa phương muốn trao tiền cho các hộ tự mua bò nhưng tại cuộc họp đa số người dân chọn phương án xã tập trung mua bò sau đó đánh số để bốc thăm. Kinh phí thực hiện không còn nên không thể hỗ trợ thêm người dân về các loại chăm sóc, khám, chữa bệnh cho bò được. Dự án triển khai đến nay đã gần 3 tháng.
“Quá trình kiểm tra, chúng tôi thấy bà B. chăm sóc chưa đúng cách, bò có phát triển kém. Thậm chí khi bò bị ngã nước, ốm, gia đình bà B đã tổ chức mời thầy cúng cúng cho bò. Sau này mãi không khỏi mới mời bác sỹ thú y xuống. Vài ngày sau thì con bò này khỏe mạnh, phát triển bình thường. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho người dân về cách chăm sóc, bảo vệ bò khi thời tiết thay đổi. Khi bò bị bệnh thì phải mời bác sỹ thú y tới khám, chữa bệnh chứ không dùng các biện pháp phản khoa học”, bà Thêm nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho hay: Đây là Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đầu tư phát triển chăn nuôi bò giống sinh sản. Mục đích của dự án là nhân rộng đàn bò sinh sản tại địa phương, phát triển kinh tế hộ gia đình hướng đến giảm nghèo bền vững. Sau khi tham khảo ở nhiều trang trại bò giống thì giá mỗi con bò giống giao động từ 10 đến 13 triệu đồng. Nhà nước hỗ trợ 10 triệu, người dân đóng tiền đối ứng từ 1 đến 3 triệu đồng tùy theo giá trị từng con bò giống. Ngoài ra, những hộ được nhận bò giống được nhận thêm từ 1,6 triệu đến 2 triệu đồng tiền hỗ trợ xây dựng chuồng trại từ dự án này.
Toàn bộ đàn bò dự án này được đơn vị tại xã Hoằng Đông cung cấp. Trong 24 con bò giống, có con này, con kia. Nếu hộ nào bốc thăm phải con bò kém chất lượng thì có thiệt thòi chút, về nhà chăm sóc sẽ khỏe mạnh. Nhìn bằng cảm quan thì con bò có vẻ bé và gầy. Vì đây là giống bò địa phương, thể trạng bé hơn bò lai nhưng hợp với điều kiện khí hậu, sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh. Vừa qua, xã đã làm việc lại với đơn vị cung cấp, được biết trước khi giao bò tới các hộ dân, số bò này đã được tiêm phòng đầy đủ. Bấm khuyên tai đeo số và cân nặng đủ so với hướng dẫn của huyện.