Vấn đề quan tâm

Thanh Hóa: Người dân "dài cổ" chờ nước sạch từ Nhà máy cấp nước Thăng Thọ

Thanh Phương 09/03/2024 10:06

Các xã thuộc phía Nam của huyện Nông Cống (Thanh Hóa) thuộc vùng trũng cứ mưa là ngập và là nơi nhận nước từ những khu vực phía trên. Khi nguồn nước mặt bị ô nhiễm, việc đầu tư, xây dựng nhà máy nước đạt chuẩn là rất bức thiết, đảm bảo sức khỏe của người dân. Một nhà máy nước sạch hơn 400 tỷ được phê duyệt nhiều năm nhưng đến nay vẫn thi công dang dở.

Nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân cũng như đảm bảo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Thanh Hóa đã kêu gọi các nhà đầu tư triển khai dự án nước sạch nông thôn với nhiều ưu đãi, cắt giảm tối đa các loại thủ tục hành chính.

bohaong.jpg
Hiện trạng Nhà máy nước Thăng Thọ dang dở nhiều năm

Cả trăm nghìn hộ dân của 19 xã (gồm 13 xã thuộc huyện Nông Cống, 3 xã thuộc huyện Như Thanh, 3 xã thuộc thị xã Nghi Sơn) vô cùng phấn khởi khi dự án nước sạch của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Môi trường Việt Nam làm chủ đầu tư được phê duyệt trên địa bàn xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống.

Đầu năm 2019, các cơ quan chức năng và người dân cờ hoa tưng bừng chào mừng chủ đầu tư vào khởi công dự án cấp thiết này. Tổng vốn đầu tư 410 tỷ đồng, quy mô 3,5 ha, công suất lên 30.000 m3 nước/ngày đêm. Dự kiến hoạt động vào quý IV/2019. Nhiều phương tiện, máy móc, nhân lực được huy động rầm rộ.

datrong.jpg
Nhiều hạng mục vẫn là bãi đất trống

Với mong muốn dự án sớm có nguồn nước sạch để sử dụng dù phải chịu bụi bặm, xe chở vật liệu rơi vải, đất đá tràn xuống ruộng… người dân vẫn tươi cười ủng hộ dự án.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, quá trình thi công dự án bị dừng thường xuyên, các hạng mục không đảm bảo tiến độ đề ra. Sau nhiều lần điều chỉnh, xin gia hạn, đến tháng 1/2021, dự án được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định tăng tổng vốn đầu tư lên 455 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại quyết định này, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư đến tháng 9/2021 phải hoàn thành, đưa nhà máy vào hoạt động. Chủ đầu tư thời điểm này cam kết hoàn thành đúng thời hạn. Vậy nhưng đến nay hiện trường vẫn không có máy móc, thiết bị thi công.

nhamaynuoc.jpg
Hiện tại vẫn không có hoạt động thi công

Trước những kiến nghị của người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang sau đó đã có buổi kiểm tra tiến độ dự án và yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương huy động nhân lực, máy móc, thiết bị đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đến tháng 6/2023 phải đưa nhà máy vào hoạt động.

Tỉnh cũng yêu cầu, nếu đến thời gian này, nhà máy vẫn chưa hoàn thành, việc cấp nước sạch cho người dân trong vùng sẽ được chuyển cho đơn vị khác đảm nhận. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trong việc vi phạm cam kết đã đề ra.

Trước yêu cầu của tỉnh chủ đầu tư dự án nhà nước Thăng Thọ một lần nữa ngồi xuống ký cam kết về đích. Hạn cuối cùng thi công các hạng mục của dự án, chậm nhất đến ngày 30/7/2023 sẽ hoàn thành, vận hành nhà máy cấp nước cho người dân.

Theo ghi nhận của PV vào thời điểm tháng 3/2024, trên khu đất được phê duyệt xây dựng Nhà máy nước Thăng Thọ vẫn không có hoạt động thi công. Một số hạng mục xây dựng dở dang, gồm một phần hệ thống tường rào bao quanh, một nhà điều hành mới xây xong phần thô, 2 bể chứa nước mới chỉ được đào đất. Gạch, đá và một ít sắt thép đã hoen gỉ nằm ngổn ngang trên nền đất lầy lội.

Chính quyền địa phương cũng tỏ ra sốt ruột trước dự án cứ án binh bất động. Lãnh đạo xã Thăng Thọ cho biết, ai cũng mong muốn chủ đầu tư sớm đẩy nhanh tiến độ dự án hệ thống nước sạch cung cấp cho nhân dân. Việc dự án hệ thống cấp nước sạch Thăng Thọ kéo dài trong nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của hàng chục nghìn dân trong khu vực.

"Mong muốn được sử dụng nước máy, đảm bảo vệ sinh của chúng tôi chưa biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực. Tình trạng này nếu không được khắc phục cũng sẽ ảnh hưởng chung đến kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương.", một người dân địa phương bức xúc.

Có thể nói, mong muốn có nước sạch hợp vệ sinh của hàng trăm nghìn người trong khu vực dự án chưa biết khi nào mới thành hiện thực. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần quyết liệt hơn trong việc đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện các hạng mục để vận hành nhà máy. Trường hợp vi phạm thì tiến hành thu hồi, chấm dứt dự án theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Người dân "dài cổ" chờ nước sạch từ Nhà máy cấp nước Thăng Thọ