Thanh Hóa là một trong những địa phương có đơn vị hành chính cấp xã, huyện sáp nhập lớn nhất cả nước. Do nhiều vướng mắc, bất cập mà hàng chục nghìn nhà, đất, công sở dôi dư không còn nhu cầu sử dụng, để phơi mưa, phơi nắng xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí.
Theo báo cáo của Sở Tài chính Thanh Hóa, sau khi rà soát, điều chỉnh theo các phương án, tổng số cơ sở nhà, đất đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý là 11.422 cơ sở.
Các đơn vị đã tiến hành phân loại, cơ sở nhà đất của các sở, ngành và đơn vị công lập cấp tỉnh là 364 cơ sở; cơ sở nhà, đất của các huyện, thị xã, thành phố là 11.058 cơ sở.
Để chống thất thoát, lãng phí, địa phương này đã thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp cơ sở nhà, đất do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi làm trưởng ban.
Ban này đã rốt ráo chỉ đạo các địa phương, đơn vị sớm có phương án để báo cáo cấp trên. Trong năm 2023, có 10.380 cơ sở đã được phê duyệt giữ lại tiếp tục sử dụng; 283 cơ sở chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý; 51 cơ sở thu hồi; 59 cơ sở tạm giữ lại tiếp tục sử dụng; 270 cơ sở thực hiện điều chuyển; 379 cơ sở thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Đa phần các địa phương đều chuyển công năng sử dụng nhưng chưa thực sự có hiệu quả, thừa diện tích nhưng thiếu phòng chức năng. Điều này lại cần một khoản kinh phí để đầu tư, sửa chữa.
Thêm vào đó hiện nay hành lang pháp lý cho việc xử lý tài sản nhà, đất này đang còn nhiều bất cập. Cụ thể về quy hoạch, việc điều chỉnh từ đất công sang loại đất khác, thay đổi mục đích sử dụng... khá nhiêu khê. Chưa kể các cơ sở nhà, đất không còn hồ sơ, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Việc định giá tài sản, nhà, đất tại một thời điểm còn khá “nhạy cảm” bởi theo tính chất nóng, lạnh của bất động sản, mục đích sử dụng.
Chính vì “chênh vênh” trong việc đụng vào tài sản công nên nhiều địa phương xã, huyện không mặm mà, tích cực lên phương án sử dụng. Chủ yếu chuyển cho công an xã sử dụng trụ sở UBND hoặc các cơ quan chuyên môn như Trung tâm y tế huyện Hậu Lộc sử dụng trụ sở UBND xã Thịnh Lộc cũ; Ban quản lý dự án huyện Quảng Xương sử dụng trụ sở UBND thị trấn Quảng Xương cũ…
Tại Thanh Hóa còn có tình trạng các cơ sở đang trong quá trình hoàn thiện đã phải sáp nhập rồi bỏ hoang khiến người dân bức xúc. Đơn cử như công sở, hội trường xã Quảng Phúc (Quảng Xương) đầu tư cả chục tỷ đồng nhưng sau đó bỏ không, người dân gần đó đưa lợn vào nuôi nhốt. Hay như hệ thống công sở, hội trường, trung tâm văn hóa xã Thuần Lộc (Hậu Lộc) chưa kịp hoàn thiện thì sáp nhập vào xã Văn Lộc gây lãng phí nguồn đầu tư.
Ngày 28/2, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi, Trưởng Ban chỉ đạo đã tổ chức họp, nghe tình hình sắp xếp và bàn phương hướng giải quyết. Việc thực hiện sắp xếp, cơ sở nhà, đất đưa tài nguyên đất và các tài sản đã đầu tư vào sử dụng hợp lý, hiệu quả, tránh lãng phí và gây bức xúc dư luận.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tích cực chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều cuộc làm việc để giải quyết, hướng dẫn việc thực hiện sắp xếp lại các cơ sở nhà đất đang dôi dư sau sáp nhập. Những diện tích đất, cơ sở đang bị lãng phí sau khi di chuyển, sắp xếp các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước... Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn thực sự hiệu quả, nhiều tài sản chưa có phương án xử lý để không, xuống cấp gây lãng phí.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi yêu cầu các đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp lại cơ sở nhà đất phải lập trình, phê duyệt phương án sắp xếp, tiến hành nhanh, sớm và hoàn thành trong năm 2024. Quá trình xây dựng và thực hiện phương án cần công khai, minh bạch, phù hợp, tránh lãng phí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống tiêu cực, bảo đảm lợi ích cho Nhà nước và nhân dân.
Trưởng Ban Nguyễn Văn Thi yêu cầu các sở, ngành cần tăng cường trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ hơn trong thực thi nhiệm vụ. Các sở chuyên ngành hướng dẫn các địa phương, đơn vị trong quá trình thực hiện sắp xếp đúng quy định, hướng dẫn của pháp luật hiện hành. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét, quyết định.
Các ngành cần rà soát lại kết quả đã thực hiện được, những nhóm khó khăn như: thiếu cơ sở pháp lý, không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng... để hoạch định giải pháp, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện.
Các đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp lại cơ sở nhà, đất phải lập trình, phê duyệt phương án sắp xếp, tiến hành nhanh, sớm và hoàn thành trong năm 2024. Quá trình xây dựng và thực hiện phương án cần công khai, minh bạch, phù hợp, tránh lãng phí so với nhu cầu sử dụng của các đơn vị nhận chuyển giao.
Trong đó các vị trí có lợi thế thương mại cần được ưu tiên đấu giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất để phát triển thương mại, tạo nguồn thu ngân sách. Công tác sắp xếp cần gắn liền với việc chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm lợi ích cho Nhà nước, người dân. Đơn vị, địa phương nào chậm trễ thực hiện sẽ bị xem xét trách nhiệm của người đứng đầu.