Thanh Hóa lo sinh kế cho người dân để không phải tha hương

Thanh Phương| 08/09/2021 15:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thanh Hóa là địa phương đất rộng, người đông nhưng tốc độ phát triển, thu hút lao động vào các khu công nghiệp, khu kinh tế còn chậm nên nhiều người dân phải tha hương mưu sinh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không ít người dân phải về quê, vấn đề sinh kế đang cần lời giải.

Theo thống kê, từ ngày 27/4/2021 đến nay, số công nhân, lao động trở về từ các vùng dịch ở các tỉnh, thành trong cả nước khoảng 166.300 người, trong đó có trên 6.200 trẻ em. Đến đầu tháng 9, toàn tỉnh có hơn 21.000 người đang cách ly tập trung (4.350 trường hợp) và cách ly tại nhà để phòng, chống dịch Covid-19.

a1sinh.jpg
Thanh Hóa đặt ra mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

Đây là nguồn nhân lực khá lớn, nếu không giải quyết được vấn đề công ăn việc làm sẽ tiềm ẩn nhiều bất ổn. Chính vì vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có phương án đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly.

Phân nhóm cụ thể, số người trở về từ vùng dịch là lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động, không có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 65%). Có 20% trong số lao động này thuộc nhóm tuổi từ 41 tuổi trở lên sẽ gặp khó khăn trong đào tạo chuyển đổi nghề do thói quen lao động, trình độ học vấn, khả năng tiếp thu hạn chế, tâm lý ngại học nghề. Có khoảng 35% lao động trở về từ vùng dịch có giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động tại vùng dịch, số lao động này phần lớn vẫn còn nguyên vọng, hết dịch sẽ trở lại chỗ làm việc cũ.

Trưởng ban Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Nguyễn Tiến Hiệu cho biết, thời gian qua, Thanh Hóa đã cải thiện môi trường đầu tư tạo cơ chế thông thoáng để thu hút các đơn vị có tiềm lực vào xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân. Dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực, các công ty, người lao động đều gặp khó. Ban đã phối hợp với Liên đoàn Lao động và Trung tâm dịch vụ việc làm đã tiến hành khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay là gần 33.300 lao động, chủ yếu là lao động nữ chiếm 70%. 

Nhu cầu cần lao động tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất giầy da, may mặc cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn như: Công ty TNHH ROLLSPORT 1 Việt Nam (tuyển 1.100 lao động); Công ty TNHH Giầy Aleron Hoàng Long (tuyển 2.000 lao động); Công ty TNHH giầy ROLLSPORT 2 Việt Nam (tuyển 3.700 lao động); Công ty TNHH MTV TCE JEAN (tuyển 1.100 lao động); Công ty TNHH giầy SUNJADE (tuyển 1.500 lao động)…  nên khả năng giải quyết việc làm cho lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sẽ đáp ứng khoảng 90%.

a2sinh.jpg
Tạo công ăn việc làm cho người lao động là việc bức thiết

Để hỗ trợ người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có phương án đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho số lao động nói trên vào làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính, giúp họ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Với việc triển khai có nhiều quả nhiều giải pháp cụ thể, trong tháng 8/2021, tỉnh Thanh Hoá đã giải quyết việc làm mới cho 3.650 lao động. Thanh Hoá xác định giải quyết việc làm cho lao động hồi hương nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh, ổn định xã hội là yêu cầu cấp thiết nên đã kịp thời xây dựng phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đồng thời tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ kết nối cung - cầu, thúc đẩy phát triển thị trường lao động phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh.

Hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đang tiếp tục khảo sát, thu thập thông tin việc làm trống ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như nhu cầu tuyển dụng lao động Thanh Hoá của các doanh nghiệp ngoài tỉnh để kết nối với người lao động.

a3sinh.jpg
Nhiều đơn vị phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Có một thực tế hiện nay Thanh Hóa có khoảng 4 triệu dân, trong đó 2,5 triệu người trong độ tuổi lao động. Số lao động trong khu kinh tế và các khu công nghiệp mới đáp ứng khoảng 340 nghìn người. Sản xuất nông nghiệp ngày một kém hiệu quả, nhiều chính sách cho các đồng bào trên khu vực miền núi còn bất cập (địa phương này có 7/61 huyện nghèo nhất cả nước). Việc người dân tỏa đi khắp các tỉnh thành trong cả nước (tập trung lớn nhất Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội) để tìm kiếm việc làm là nhu cầu chính đáng. Trong khi đó, việc đào tạo nghề tại địa phương còn quá nhiều hạn chế, không phù hợp thực tế dẫn tới tỷ lệ lao động chân tay, lao động tự do khá lớn. Khi có khó khăn, dịch bệnh xảy ra thì lực lượng bị tác động đầu tiên chính là đối tượng này. 

Qúa trình đô thị hóa vẫn đang diễn ra từng ngày, lao động nông thôn không có việc làm và những lúc nông nhàn sẽ tiếp tục đổ về thành phố. Để người dân không phải tha hương tìm kế mưu sinh, cần một chiến lược tổng thể, khoa học, dài hơi, sát thực tế. 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa lo sinh kế cho người dân để không phải tha hương