Để chuẩn bị cho năm học mới 2022- 2023, tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương bổ sung số lượng giáo viên được phân bổ, hoàn thiện cơ sở vật chất. Tuy nhiên, việc tuyển dụng rất khó vì nguồn đầu vào khan hiếm, các địa phương chật vật trong việc bố trí nguồn kinh phí cho việc đầu tư trường, lớp học, các thiết bị...
Thực hiện Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị, trong giai đoạn 2022-2026, toàn quốc giao bổ sung 65.980 chỉ tiêu biên chế giáo viên. Riêng năm học 2022 - 2023, tạm giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương, trong đó tỉnh Thanh Hóa được giao bổ sung 1.681 biên chế. Trong số 1.681 biên chế được bổ sung cho tỉnh Thanh Hóa, cấp mầm non là 818 biên chế, tiểu học 695 biên chế, THCS 137 biên chế và THPT là 31 biên chế.
Trên cơ sở số lượng biên chế được bổ sung, thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh trong việc phân bổ chỉ tiêu biên chế bổ sung cho các địa phương kịp phục vụ năm học mới 2022 - 2023.
Cơ quan chức năng sẽ triển khai theo hướng, đối với mầm non, ưu tiên phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố đang còn giáo viên mầm non đã hợp đồng lao động theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP, hiện nay đang tạm thời hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động theo Nghị quyết 102/NQCP của Chính phủ; đối với khối phổ thông, ưu tiên cho các đơn vị khó khăn, thiếu nhiều giáo viên. Riêng khối các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phân bổ hết chỉ tiêu biên chế được giao bổ sung, gồm 31 chỉ tiêu biên chế cho THPT và 16 biên chế cho cấp THCS trong trường 2 cấp học THCS&THPT cho các đơn vị có tỷ lệ giáo viên/lớp còn thấp so với mặt bằng chung của các trường trên địa bàn tỉnh.
Trước mắt, Sở GD&ĐT, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tuyển dụng hết số chỉ tiêu biên chế đã được tỉnh giao năm 2022, trong đó lưu ý ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn Văn hóa, Tin học, Ngoại ngữ (cấp tiểu học), giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật (THPT) để kịp thời đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Được biết, nếu theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa thiếu 10.276 giáo viên (mầm non thiếu 4.510, tiểu học thiếu 4.011, THCS thiếu 1.377, THPT thiếu 378 giáo viên). Nếu theo quy định của tỉnh, toàn tỉnh thiếu 6.484 giáo viên (mầm non thiếu 2.036, tiểu học thiếu 3.241, THCS thiếu 974, THPT thiếu 233 giáo viên).
Tuy nhiên, việc tuyển dụng giáo viên trong một khoảng thời gian ngắn là rất khó vì nguồn đầu ra hạn chế. Số lượng giáo viên theo từng môn học khác nhau, chưa thể thỏa mãn nhu cầu. Một số vùng khó khăn, giáo viên không mặn mà với việc bám bản, bám trường do cơ chế chính sách hỗ trợ chưa đảm bảo được đời sống. Thanh Hóa có tới 11 huyện miền núi nên cơ sở vật chất đầu tư cho giáo dục còn hạn chế. Toàn tỉnh có hơn 2.000 cơ sở giáo dục nhưng mới có 87,7% số phòng học kiên cố hóa; vẫn còn gần 500 trường học chưa đạt chuẩn quốc gia.
Theo khảo sát của PV, tại một số điểm trường lẻ thuộc các bản đặc biệt khó khăn với đa số là đồng bào dân tộc Mông, Thái sinh sống, nhiều phòng học xuống cấp, thiếu trang thiết bị dạy học. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của học sinh, giáo viên vùng biên giới. Tại điểm trường lẻ khu bản Cặt, Trường Tiểu học Nhi Sơn, huyện biên giới Mường Lát do sử dụng đã lâu nên các phòng học hư hỏng, xuống cấp, cửa kính bị vỡ, thiếu thiết bị dạy học và nhà hiệu bộ cho giáo viên. Điểm trường này còn nằm ở vị trí trũng, thấp, xung quanh là nhà dân, rác thải, điều kiện môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng đến việc học tập và giảng dạy của giáo viên, học sinh khi năm học mới đã cận kề.
Tại huyện Mường Lát, trên địa bàn huyện còn nhiều phòng học xuống cấp, trong đó có 100 phòng học tại các điểm trường lẻ thiếu phòng chức năng, nhà hiệu bộ, nhà phục vụ cho học sinh bán trú, thiếu trang thiết bị dạy học. Để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, huyện đang rà soát, đánh giá các trường cần đầu tư xây mới phòng học, đồng thời chỉ đạo các trường vệ sinh phòng học, chỉnh trang bàn ghế tại điểm trường chính và các điểm lẻ.
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương những khó khăn của ngành giáo dục nói chung và giáo viên nói riêng từng bước được tháo gỡ, giải quyết kịp thời. Để sự nghiệp trồng người ở xứ Thanh sẽ là cơ sở vững chắc thúc đẩy địa phương này vươn tầm trong tương lai gần.