Trước nhiều thử thách, biến động của thị trường, hàng trăm doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và giải thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa trong tháng 1/2025, toàn tỉnh có 138 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2024; số vốn điều lệ đăng ký đạt hơn 2.145 tỷ đồng, tăng 162,4%; vốn điều lệ đăng ký bình quân/1 doanh nghiệp đạt 15,6 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại tỉnh dự kiến tạo việc làm cho khoảng 825 lao động, tăng 8% so với cùng kỳ.
Trong tháng 1/2025, Thanh Hóa có 162 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 9% so với cùng kỳ; có 23 doanh nghiệp thông báo giải thể, tăng 64,3% so với cùng kỳ; có 679 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 44,8% so với cùng kỳ.
Năm 2024, Thanh Hóa vẫn là địa phương thuộc tốp đầu về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách lớn nhất từ trước tới nay gần 57 nghìn tỷ đồng. Có hơn 3.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, vốn điều lệ đăng ký đạt 22.092 tỷ đồng.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên việc phát triển doanh nghiệp mới của tỉnh Thanh Hoá vẫn còn một số hạn chế như quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, tỷ lệ doanh nghiệp phát triển bền vững thấp và mất cân đối về lĩnh vực, vùng miền; một số địa phương phát triển doanh nghiệp theo phong trào dẫn đến hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh chưa cao...
Trao đổi với PV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá Cao Tiến Đoan cho biết: Quy luật của thị trường là thuận nghịch đan xen. Trong khó khăn, thử thách phải biết nắm bắt thời cơ, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch, chiến lược kinh doanh cho phù hợp với thời cuộc.
Thương trường như chiến trường. Câu này đúng nhưng thời đại số chỉ đúng một phần. Sự chuyển biến ngày nay đến mức chóng mặt. Đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân phải biết thích nghi, tự nâng cấp bản thân, đơn vị mình lên. Nếu không sẽ bị vượt qua, đào thải là chuyện đương nhiên.
“Trong nhiều diễn đàn, hội nghị tôi đã phân tích, đánh giá thời điểm này là cái ngưỡng chịu đựng, khúc cua quyết định tới sự tồn vong của rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Cái khó này đến từ thị trường biến động, các yếu tố chồng chéo các quy định của pháp luật, những gói kích cầu không đến được với doanh nghiệp… Không ít cán bộ công chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm dẫn tới các dự án chậm giải phóng hoặc không tìm cách tháo gỡ khi gặp vướng mắc.
Cái khó lớn nhất vẫn đến từ nội tại các doanh nghiệp, doanh nhân. Việc đôn các hộ gia đình hay cá nhân thành lập doanh nghiệp vội vàng khi chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần và đủ để chống chọi với sóng gió bủa vây. Dẫn tới doanh nghiệp mới thành lập bị ngợp trước thị trường. Chỉ số ít gặp thời, nhưng thiếu nền tảng quản trị doanh nghiệp, quản trị con người, thiếu kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn.
Trong thời điểm từ trung ương tới địa phương đang đẩy mạnh việc tinh giản, bố trí sắp xếp lại các đơn vị, người đứng đầu. Bộ máy sẽ tinh, gọn, mạnh để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp được tốt hơn. Từ đó khích lệ các doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân để tạo ra những giá trị mới.
Khi loại bỏ được những lực cản bên ngoài, doanh nghiệp, doanh nhân cũng tự nâng cấp bản thân, cùng nhau đoàn kết, có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, hấp dẫn, tiếp cận được các gói tín dụng phù hợp để tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra nhiều hơn nữa các sản phẩm chất lượng cao thương hiệu Việt Nam.
Tôi tin chắc rằng, doanh nghiệp, doanh nhân thời gian tới sẽ được đặt đúng vị trí để cùng với đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn”, ông Đoan nói.