Do quản lý, điều hành kém, một vị giám đốc đã khiến doanh nghiệp của mình phải vay vốn ngân hàng và các chủ nợ với số tiền hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay, khả năng chi trả gần như không có và vị này còn lên kế hoạch gán nợ bằng cổ phần của công ty.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần Bắc Trung Nam có trụ sở tại 321 Bà Triệu, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa do bà Đỗ Thị Hồng là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Công ty. Bà Hồng hiện sở hữu 2 thương hiệu: Taxi Bắc Trung Nam và Bệnh viện mắt Bắc Trung Nam.
Qua một thời gian hoạt động, do quản lý và điều hành kém hiệu quả đã khiến hoạt động kinh doanh của 2 công ty do bà Hồng sở hữu gặp khủng hoảng. Vì vậy, cả 2 công ty đã phải vay vốn ngân hàng và các chủ nợ lên tới hàng chục tỉ đồng nhưng không có khả năng thanh toán.
Để có thể trả số nợ trên, bà Hồng đã lên kế hoạch gán nợ bằng chính cổ phần của công ty do mình sở hữu. Bằng chứng là sau nhiều lần thuyết phục, thương lượng với các chủ nợ, bà Hồng đã biến họ trở thành cổ đông bất đắc dĩ của hai công ty mới do chính bà lập ra là Công ty CP đầu tư Y tế Ánh Dương (sở hữu thương hiệu Bệnh viện mắt Bắc Trung Nam) và Công ty CP Taxi Bắc Trung Nam Thanh Hóa (sở hữu thương hiệu Taxi Bắc Trung Nam). Dĩ nhiên, với khoản nợ trên, các chủ nợ buộc phải “tặc lưỡi” chấp nhận vì không còn cách nào khác.
Họp cổ đông Công ty
Đáng chú ý, trong tất cả các cuộc họp cổ đông bao gồm các chủ nợ, cổ đông hiện hữu, bà Hồng và các chủ nợ thống nhất thỏa thuận trở thành cổ đông của hai công ty với số vốn góp bằng chính số tiền gốc đã cho Công ty Cổ phần Bắc Trung Nam và bà Hồng vay. Đồng thời nhất trí giao cho bà Hồng trực tiếp triển khai và thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện các thủ tục chuyển đổi khoản nợ thành cổ phần cũng như thay đổi đại diện pháp luật mới.
Tuy nhiên, sau khi tái cơ cấu, 2 công ty mới có chiều hướng kinh doanh thuận lợi, bắt đầu có các nguồn thu và lợi nhuận kể từ ngày có đăng ký kinh doanh mới. Bà Hồng không những không cảm ơn các chủ nợ đã tập trung trí lực, giúp các khoản nợ của mình thành cổ phần của công ty, duy trì và phát triển 2 thương hiệu taxi và Bệnh viện mắt Bắc Trung Nam do mình sáng lập mà còn có các hành vi gây rối, cản trở họat động sản xuất kinh doanh của công ty.
Cụ thể, bà Hồng tổ chức một nhóm người kéo đến Công ty khi đang tổ chức họp, và tuyên bố lấy lại quyền điều hành công ty và yêu cầu Giám đốc Công ty rời khỏi vị trí Giám đốc, đồng thời chiếm đoạt con dấu.
Sự việc khiến ngày 19/1/2017, HĐQT Công ty phải gửi công văn khẩn cấp tới Công an TP. Thanh Hóa nhờ xử lý. Hiện hồ sơ liên quan đến vụ việc này đã được lưu tại Đội cảnh sát điều tra tổng hợp – Công an TP. Thanh Hóa.
Cùng với đó, bà Hồng lôi kéo theo gần 10 người đến Công ty, vào thẳng Phòng Kế toán để uy hiếp CBNV đang làm việc tại đây. Bà Đỗ Thị Hồng đã chỉ đạo người đi cùng dán lại camera an ninh, phá khóa tủ đựng tài liệu chứng từ của Kế toán trưởng và lấy đi toàn bộ tài liệu chứng từ có giá của Công ty, gây áp lực với nhân viên giữ dấu để lấy con dấu của Công ty.
Ngày 22/2/2017, HĐQT Công ty đã thông báo cho Công an phường Trường Thi , thành phố Thanh hóa đến chứng kiến và xử lý vụ việc.
Đặc biệt, bà Hồng đã làm đơn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá thu hồi giấy đăng ký kinh doanh với lý do: hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh khi chuyển đổi chủ nợ thành cổ đông có sự giả mạo chữ ký, mặc dù thủ tục này do chính bà Hồng trực tiếp thực hiện.
Trên thực tế, sau khi tái cơ cấu và có đăng ký kinh doanh mới, hội đồng cổ đông mới đã thông qua điều lệ, danh sách cổ đông mới và trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến thời điểm này .
Phải chăng, bà Đỗ Thị Hồng đã lợi dụng lòng tin của các chủ nợ, dẫn dắt họ từ việc biến mình từ chủ nợ trở thành cổ đông công ty và bằng các hành vi gian dối trong thủ tục pháp lý, ghi nhận tư cách cổ đông của các chủ nợ để đến hôm nay lại phủ nhận toàn bộ những nội dung đã cam kết? Và bà Hồng mặc nhiên thoái thác trách nhiệm hoàn trả số nợ lên đến 59 tỷ đồng của hơn 50 cá nhân và các tổ chức một cách “nhẹ nhàng”?
Với hàng loạt hành vi nói trên của bà Hồng, có hay không dấu hiệu phạm tội “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự? Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá sớm vào cuộc để điều tra, làm rõ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ nợ và cổ đông Công ty.
Tội Lợi dụng tín nhiệm tài sản, quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự: 1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. |