14 lô đất trong dự án Quy hoạch đất ở dân cư năm 2019 tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã được tổ chức bán đấu giá. Thế nhưng đến nay, một số hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất không hề hay biết đến việc bồi thường, đền bù.
Ngày 11/06/2019, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) ra Quyết định số 1005/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Quy hoạch đất ở dân cư năm 2019 tại xã Vĩnh Thịnh (đợt 1).
Quyết định nêu rõ thu hồi 3.366,96m2 đất sản xuất nông nghiệp của 5 hộ gia đình, cá nhân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án, với tổng dự toán kinh phí là gần 400 triệu đồng.
Thế nhưng đến nay, một số hộ dân ở thôn 6, thôn 7 và thôn 9 xã Vĩnh Thịnh nằm trong diện bị thu hồi đất vẫn không hề hay biết đến việc bồi thường, GPMB.
Người dân không biết đến việc bồi thường, GPMB
Ông Nguyễn Văn Tâm, ở thôn 6 cho biết: “Nhà nước thu hồi diện tích đất mà gia đình tôi đang canh tác làm đất ở, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản thông báo nào của xã về việc đền bù”.
Về nguồn gốc đất của mình, ông Tâm trình bày: Diện tích mà Nhà nước thu hồi 157m2 của gia đình ông nằm trong phần đất của trạm điện. Mảnh đất này ở vị trí rất “đắc địa”, ngay trên quốc lộ 217. Từ năm 2003, ông Tâm bắt đầu canh tác, khai hoang đất. Đến năm 2012, ông Tâm cùng với ông Lê Văn Toàn, ở thôn 9 góp vốn để xây dựng trạm biến áp 160KVA. Sau này, khi xã bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý thì Công ty Điện lực Thanh Hóa đã di dời trạm biến áp sang vị trí khác. Hiện phần diện tích đất này không có tranh chấp, gia đình ông Tâm đang trồng cây, hoa màu và có 2 cây cột điện vẫn chưa di dời. Tuy nhiên, trong giấy tờ xác nhận về quyền sử dụng đất và biên bản kiểm kê đất đai, tài sản bị thiệt hại thì lại đứng tên hộ ông Lê Văn Toàn.
Phần diện tích đất gia đình ông Tâm đang sử dụng từ lâu đến nay, thế nhưng ông Toàn lại là người đứng tên trong hồ sơ được nhận tiền đền bù
Về vấn đề này, ông Lê Văn Toàn khẳng định không biết gì về việc gia đình ông được nhận tiền bồi thường, GPMB tại mảnh đất mà ông Tâm đang sử dụng.
Ông Toàn bức xúc nói: “Phần đất nằm trên đường quốc lộ 217 và nằm ngay cạnh nhà ông Nguyễn Văn Tâm được gia đình ông Tâm sử dụng lâu nay. Tôi không hề ký vào biên bản xác nhận về quyền sử dụng đất hay biên bản kiểm kê đất đai, tài sản. Trong khi theo quyết định đền bù lại có tên tôi và hiện tại tôi cũng chưa nhận được tiền. Vậy ai là người đã ký thay cho tôi?”.
Tương tự, với tổng diện tích 2.000m2 đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi, ông Nguyễn Tứ Đại, ở thôn 7 cũng chưa nhận được tiền đền bù. “Tôi chỉ biết là bị thu hồi đất nhưng không biết là được đền bù bao nhiêu tiền. Tôi rất bất ngờ khi chữ ký trong biên bản kiểm kê và giấy xác nhận quyền sử dụng đất không phải chữ ký của tôi”, ông Đại nói.
Trao đổi với PV Báo Công lý, ông Mai Văn Hồng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh khẳng định, xã đã chi trả tiền đền bù GPMB cho các hộ dân có diện tích đất sản suất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện dự án quy hoạch đất ở nông thôn.
“Chỉ còn hộ ông Trần Đăng Lộc là chưa nhận tiền đền bù. Xã cũng đã trả tiền đền bù cho hộ ông Lê Văn Toàn. Theo hồ sơ, tại mặt bằng số 804, hộ ông Toàn đứng tên phần diện tích đó nên phải đền bù cho ông Toàn. Ngược lại, đất đó không phải của ông Tâm nên xã không đền bù”, ông Hồng cho hay.
Thế nhưng trên thực tế, đến thời điểm hiện tại là ngày 09/10/2019, hộ ông Lê Văn Toàn và ông Nguyễn Tứ Đại khẳng định họ vẫn chưa nhận được tiền đền bù GPMB.
Nhiều người dân xã Vĩnh Thịnh nghi ngờ việc tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng liệu có đúng quy trình và ai là người đã giả mạo chữ ký của người dân?. Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.