Tháng Giêng không “ăn chơi”

Chính Tâm| 19/02/2021 09:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tháng Giêng không còn được coi là “tháng ăn chơi”. Bước vào những ngày đầu năm Tân Sửu, tháng Giêng đã trở thành “tháng làm việc cật lực để bắt tay ngay vào nhiệm vụ năm 2021” của các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương trên cả nước.

thanggieng.jpg
Bước vào những ngày đầu năm Tân Sửu, tháng Giêng đã trở thành tháng hành động, bắt tay ngay vào công việc của các Bộ, ngành cơ quan và địa phương. Ảnh minh họa

"Tháng Giêng là tháng ăn chơi/Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà/Tháng Ba thì đậu đã già…/Tháng Tư đi tậu trâu bò”… Những câu ca dao xuất hiện trong đời sống người nông dân, quen thuộc ngỡ như một nét văn hóa được xuất phát từ thực tế sản xuất nông nghiệp ở nước ta vốn theo thời vụ. Khi đến mùa vụ, người nông dân phải làm việc cật lực. Có lẽ vì vậy mà khi mùa vụ hết, việc đồng áng nhàn rỗi, người nông dân có tâm lý “ăn bù, chơi bù” thay cho những lúc "đầu tắt, mặt tối".

Tháng Giêng so với những tháng còn lại trong năm cũng là thời gian có nhiều lễ hội nhất. Chỉ tính riêng miền Bắc đã có hội gò Đống Đa, lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, hội Bà Chúa Kho, hội Lim, hội Gióng, hội chùa Thầy, hội chọi trâu, ,… Và quan trọng nhất vẫn là tư tưởng “lễ cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” (Tết Nguyên Tiêu).

Không chỉ có người làm nông, mà chốn cơ quan, công sở tâm lý "tháng ăn chơi" cũng chi phối không ít. Cán bộ bận khai Xuân, đi lễ chùa vào những ngay đầu năm đến cơ quan không phải là chuyện hiếm. Đã là công chức thời 4.0, nhưng không ít người vẫn có thói quen veston, cà vạt đến công sở làm việc, nhưng rề rà chúc Tết, bày biện rượu trà, cà kê cho “hết mùng” mới chịu bắt tay vào việc.

Cứ vậy nên, tháng Giêng thực sự đã trở thành tháng ăn chơi cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

Thông điệp không để tình trạng “Tháng giêng là tháng ăn chơi” đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhắc đến đầu tiên vào đầu năm 2017. Từ đó đến nay, thói quen "nhởn nhơ" trong những ngày đầu Xuân vốn ăn sâu trong tác phong của nhiều cán bộ, công chức đã được nhìn nhận lại và dần có chuyển biến.

Hơn bao giờ hết, đất nước bước vào Xuân Tân Sửu 2021, cũng là bước sang năm thứ 2 chiến đấu với dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo các cấp, ngành, nhiều cơ quan, lực lượng chức năng đã làm việc xuyên Tết, không có một phút giây nghỉ ngơi. Khái niệm quay trở lại làm việc sau Tết giờ đây chỉ giống như là dấu mốc đồng bộ toàn hệ thống trở lại nhịp sống thường nhật mà thôi.

Ngay chính trong những ngày Tết Tân Sửu diễn ra, thành phố Hưng Yên đã tạm đóng cửa Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Hà Nội cũng đã dừng tất cả hoạt động lễ hội Chùa Hương, lễ hội Gò Đống Đa... để phòng chống dịch COVID-19. Các lễ hội lớn của cả nước như khai hội chùa Bái Đính, Tam Chúc, khai hội xuân Yên Tử, khai ấn đền Trần, lễ hội Gióng… cũng đã hủy hoặc không khai hội ngay trước thềm mùa lễ hội.

Các trường học trên cả nước điều chỉnh lịch cho học sinh nghỉ Tết sớm hơn, tạm dừng đến trường sau Tết để chuyển sang hình thức học online.

Phòng, chống dịch bệnh an toàn nơi công sở, cán bộ các cấp từ lãnh đạo đến nhân viên không tập trung chúc Tết, bắt tay ngay vào công việc ngay từ những ngày đầu năm. Không dừng sản xuất kinh doanh mà sản xuất phải đảm bảo kiểm soát an toàn phòng chống dịch COVID-19, ngay từ đầu năm, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã ra quân với khí thế làm việc sôi nổi; ở nhiều địa phương, người dân cũng đã xuống đồng sau ngày mồng 1 Tết… Tất cả để kỳ vọng một năm sản xuất kinh doanh hiệu quả và thắng lợi.

Một khía cạnh khác, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đóng cửa hàng quán, dịch vụ là hành động cần thiết để ngăn chặn bùng phát dịch COVID-19.

Khái niệm "bình thường mới" không thể không có sự xáo trộn về sinh kế của người dân, trong đó có không nhỏ người lao động phi chính thức ở các đô thị. Các quán ăn nhỏ, cà phê, trà đá vỉa hè, hay chỉ đơn giản là gánh hàng rong được dẹp bỏ, về góc độ tích cực sẽ làm cảnh quan, thẩm mỹ của thành phố đô thị văn minh hơn. Những đằng sau đó cả là gánh nặng cơm áo gạo tiền của không ít gia đình, phận người mưu sinh kiếm sống.

Chính sách vĩ mô còn cần song hành những đối sách thiết thực trước mắt, người dân cần giải pháp để có công ăn việc làm ổn định bền vững, chứ không đơn giản là cần cứu trợ. Thực tế này cũng đang là bài toán cần sớm có lời giải cho các nhà hoạch định chính sách và lực lượng thực thi chấp pháp.

Tại phiên họp đầu tiên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII diễn ra hôm qua (18/2), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Phải bắt tay ngay vào công việc, không được say sưa với Tết, nhất là triển khai thật tốt thực hiện các chủ trương Đại hội XIII đã đề ra”. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Đại hội thành công chỉ là một bước ra định hướng lớn thôi, phải cụ thể hóa, thể chế hóa, tất cả các cấp phải làm để không chỉ trên giấy. Tất cả công việc đang làm phải làm tiếp, thiếu sót gì phải chấn chỉnh ngay, ưu điểm phát huy theo tinh thần Đại hội XIII mới thông qua, để đưa tinh thần, Nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống.

Cũng trong phiên họp Thường trực Chính phủ bàn về tình hình Tết, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh phải có quyết tâm cao hơn ngay từ đầu năm, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Thủ tướng đề nghị tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trở lại làm việc bình thường cần tập trung xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên. Tất cả cán bộ, công chức cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy, gương mẫu, nhất là không đi lễ hội trong giờ hành chính. Các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao ngay từ đầu năm.

“Tháng Giêng là tháng làm việc cật lực để bắt tay ngay vào nhiệm vụ năm 2021”, Người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng Giêng không “ăn chơi”