Sáng nay 7/8, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Quỹ châu Á tổ chức Hội nghị giới thiệu quy trình tổ chức hội nghị tham vấn công chúng về xây dựng chính sách pháp luật.
Theo Báo cáo nghiên cứu, hiện nay đã có sự thay đổi tích cực về nhận thức của các cơ quan nhà nước và công chúng đối với công tác tham vấn công chúng trong thời gian qua. Người dân ngày càng chủ động hơn khi tham gia góp ý vào qui trình ban hành VBQPPL, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu sự tác động bởi dự thảo VBQPPL.
Ngoài ra, sự tham gia chủ động, tích cực của các tổ chức xã hội trong tham vấn công chúng đã góp phần lan tỏa cho hoạt động tham vấn công chúng trong xã hội, thay đổi nhận thức của người dân, cán bộ, công chức… về hoạt động này. Như sự tham gia của Liên minh đất đai (LANDA) vào hoạt động tham vấn công chúng đối với Luật Đất đai đã giúp người dân, gồm cả những người nông dân “đến gần hơn” với Luật này ngay từ quá trình soạn thảo.
Dù tham vấn ý kiến người dân để tối ưu hóa việc ra quyết định, ban hành chính sách, pháp luật nhưng thực tế, hoạt động tham vấn lại đang rất hình thức vì cách thức chưa phù hợp, chưa đúng đối tượng, nội dung còn chung chung hoặc quá kỹ thuật, thời điểm tham vấn muộn, thông tin chưa được cung cấp đầy đủ, nguồn lực hạn chế, đối tượng được tham vấn khó tiếp cận dự thảo…
Nhất là việc tiếp thu, phản hồi hiện đang là khâu yếu nhất trong quá trình tham vấn công chúng hiện nay vì việc phản hồi “gần như không có”, nhất là không có sự giải thích vì sao không tiếp thu ý kiến. Có đến 56% người được hỏi cho biết, cơ quan nhà nước không phản hồi hoặc không có ý kiến sau khi tham vấn.
Hội nghị giới thiệu quy trình tổ chức hội nghị tham vấn
Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tham vấn là hình thức “dân chủ tham gia”, khắc phục được những nhược điểm của hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện nhưng “làm không khéo sẽ bị hình thức” như hiện nay.
Song chính sự “thờ ơ” trong tiếp thu, phản hồi ý kiến tham vấn đã khiến người đóng góp ý kiến không cảm thấy được tôn trọng và giảm động lực tham gia góp ý. Từ đó, các ý kiến đóng góp kém chất lượng, ít ý kiến tâm huyết. Một chuyên gia ở Gia Lai cho biết, không còn quan tâm đến phản hồi của Ban soạn thảo, từ bỏ ý định theo đuổi ý kiến đến cùng vì không nhận được phản hồi.
Ngay thảo luận của ĐBQH tại nghị trường cũng chưa phát huy hết hiệu quả. Với thời gian hạn chế và phương thức thảo luận “không trao đi đổi lại” nên nhiều trường hợp ĐBQH không thể hiện được hết ý kiến, không đi được đến cùng của vấn đề.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo – ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, hiện chưa được quan tâm chính thức, nhiều hạn chế trong phản hồi ý kiến. Do thiếu quy định trách nhiệm cụ thể về chủ thể phản hồi ý kiến tham vấn nên thực tế có nhiều người, ngay cả các chuyên gia, ĐBQH “nản” không đưa ý kiến, vì không nhận được phản hồi. Ngay thảo luận của ĐBQH tại nghị trường, cũng chưa phát huy hết hiệu quả khi thời gian hạn chế, không thể hiện được hết ý kiến, không nói được đến cùng của vấn đề.
Ông Bảo dẫn chứng, Luật BHXH “có nhiều điểm tiên tiến” và được cân nhắc khi “ấn nút” nhưng do thiếu điều kiện thực tiễn, thiếu tham vấn xã hội nên khi đạo luật này chưa có hiệu lực đã nhận được sự phản ứng của người lao động đối với điều 60 và QH phải có NQ “sửa”. Hạn chế nhất là vai trò, địa vị pháp lý, trách nhiệm của đơn vị tham vấn. Tính minh bạch của quá trình tham vấn chưa cao.
Do đó, các chuyên gia đồng tình cần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về hoạt động tham vấn, nhất là quy định về trách nhiệm tiếp thu, phản hồi là điều kiện quan trọng để hoạt động tham vấn thực sự phát huy hiệu quả, tránh những VBQPPL bị “chết yểu” hoặc “sống thực vật” vì không đủ điều kiện đi vào cuộc sống, điển hình như trường hợp của Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Đồng thời, cần quy định trách nhiệm của cơ quan tiếp thu và phản hồi trong mỗi giai đoạn lập pháp, lập quy để ý kiến tham vấn của người dân, tổ chức không còn cảnh “ném đá ao bèo” như cách ví von của Nhóm tổ chức xã hội tại Thừa Thiên – Huế về việc tham vấn.