Thẩm phán Lê Hoàng Tấn, TAND TP.HCM: Tận tụy với nghề, say mê đờn ca tài tử

04/01/2014 09:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đầu tháng 12/2013, UNESCO đã chính thức công nhận đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là một tin vui đối với âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung và đối với những người dân Nam Bộ nói riêng.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, tại TAND TP. Hồ Chí Minh, có một Thẩm phán đồng thời còn là một nghệ nhân đờn ca tài tử. Đó là Thẩm phán Lê Hoàng Tấn, công tác tại Tòa Hành chính TAND TP Hồ Chí Minh.

 

Đến gặp ông Lê Hoàng Tấn, Thẩm phán Tòa Hành chính TAND TP Hồ Chí Minh, bao giờ cũng thấy ông bận bịu. Đã hẹn rồi, nhưng đến trụ sở, 11 giờ 30 vẫn còn thấy ông ngồi tiếp đương sự, hòa giải. Trò chuyện với phóng viên, Thẩm phán Lê Hoàng Tấn bảo, niềm vui lớn nhất của ông trong công tác chính là hòa giải thành công nhiều vụ án. Theo ông, nếu áp dụng pháp luật khô cứng, rập khuôn sẽ không thể giải quyết vụ án thấu tình, đạt lý. Ông đưa ra ví dụ về một vụ án mà ông đã hòa giải thành khá ấn tượng. Câu chuyện về ông A hơn 70 tuổi, vợ chết đã lâu, 5 người con cũng đã trưởng thành. Gần cuối đời, ông gặp rồi chung sống với một phụ nữ ngoài 30 tuổi và quyết định làm di chúc để lại toàn bộ tài sản của mình cho người này. Khi ông A vừa nằm xuống, người tình trẻ của ông đã yêu cầu được hưởng tài sản theo di chúc, tức một nửa căn nhà và 1/6 của nửa căn nhà còn lại.

 

Trước đề nghị này, 5 người con của ông A kiên quyết không đồng ý vì họ cho rằng người tình của cha không có công sức gì, sao lại được hưởng phần của mẹ họ. Tranh chấp diễn ra căng thẳng và cuối cùng người tình ông A phải đưa đơn đến Tòa. Tách riêng hai bên đương sự, Thẩm phán Tấn ôn tồn hòa giải. Ông giải thích cho những người con về mặt pháp luật, nguyên đơn được quyền thừa kế theo di chúc vì di chúc là có thật và hợp pháp. Mặt khác, cha của họ đã có ý nguyện để lại toàn bộ tài sản của ông. Hơn nữa, từ khi vợ mất, có lẽ người cha đã rất cô đơn. Có được người bạn tâm sự, chia sẻ dù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng là niềm vui, niềm hạnh phúc cuối đời của ông. Việc ông cho người tình được hưởng di sản cũng là điều dễ hiểu. Nếu làm đúng di nguyện của ông chắc sẽ giúp ông ngậm cười dưới suối vàng. Đó cũng là cách thể hiện lòng hiếu thảo... Đối với nguyên đơn, Thẩm phán phân tích: Tài sản chị tranh chấp là tài sản đặc biệt - tài sản xuất phát từ kỷ niệm của gia đình ông A. Công sức của người khác mà mình được hưởng thì mọi hành xử đều phải có tình, có lý. Hãy nghĩ đến kỷ niệm với ông A mà giải quyết tranh chấp với những người ông ấy yêu thương bằng tình thân. Trước những phân tích có tình có lý của Thẩm phán, cuối cùng, hai bên đã nhận ra vấn đề và thống nhất được với nhau: Nguyên đơn sẽ nhận 1/6 giá trị căn nhà. Thẩm phán Tấn thở phào, mọi người ra về trong sự thanh thản!

 

Thẩm phán Lê Hoàng Tấn, TAND TP.HCM: Tận tụy với nghề, say mê đờn ca tài tử

Thẩm phán -  Nghệ nhân Đờn ca tài tử Lê Hoàng Tấn

 

Là một Thẩm phán, ông Lê Hoàng Tấn còn được biết đến là một nghệ nhân đờn ca tài tử “có hạng” ở TP Hồ Chí Minh. Ông kể, thời thanh niên, ở độ tuổi đôi mươi, một lần tình cờ ông theo những người bạn đi học ở một lớp dạy đờn ca tài tử. Lúc đầu, ông chỉ nghĩ học cho vui. Thế nhưng, càng về sau, tiếp xúc nhiều với những thầy cô dạy đờn ca tài tử, quen biết một vài nghệ sỹ, ông lại càng thêm đam mê môn nghệ thuật này. Kết quả của những ngày tháng say mê học hỏi, năm 1989 ông giành Huy chương ở giải Bông lúa vàng đờn ca tài tử của Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh. Sau đó, Lê Hoàng Tấn cũng trở thành Thẩm phán, công tác tại TAND TP Hồ Chí Minh. Mỗi ngày, ngoài công việc của một Thẩm phán, giảng viên thỉnh giảng Học viện Tư pháp, Trưởng Ban Tuyên truyền pháp luật Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh, ông còn tham gia giảng dạy, đàn hát, sáng tác và cả biên soạn, dàn dựng những bản đờn ca tài tử. Ghi nhận công lao đóng góp của ông, ngày 14/9/2012, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao tặng Lê Hoàng Tấn danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam.

 

Ông Lê Hoàng Tấn chia sẻ: Là một Thẩm phán thực hành chức năng xét xử, bảo vệ công lý thì cần phải thực hiện đúng quy định pháp luật, phải có lý, có tình. Còn đờn ca tài tử thì phải có tình cảm để truyền sức hấp dẫn nghệ thuật, nhưng cũng phải bảo đảm đúng niêm luật, đúng chữ nhạc và nhịp điệu theo quy định.

 

Nguyễn Linh Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm phán Lê Hoàng Tấn, TAND TP.HCM: Tận tụy với nghề, say mê đờn ca tài tử