Khi ngang qua bất cứ một quán cà phê hay nhà hàng, siêu thị nào ở các thành phố lớn vào đúng giờ làm việc, bạn rất dễ dàng bắt gặp những công chức, viên chức đang “ăn cắp” thời gian.
Tôi có cô bạn định cư ở Đức, lần về nước vừa rồi, khi ngang qua cơ quan, cô nhắn tin mời tôi uống cà phê. Lúc đó là 10h sáng. Dù tôi nói không sao, cô vẫn lấy làm áy náy, vì đã “đánh cắp” của ông chủ tôi (tức người sử dụng lao động và trả lương cho tôi hàng tháng), một giờ làm việc.
Cô bảo, ở bên Đức, mỗi sáng cô làm việc từ 7h-11h. Trong suốt 4 tiếng làm việc đó, cô được nghỉ giải lao 3 lần: 2 lần 10 phút và 1 lần 15 phút. Buổi chiều cũng vậy. Tất cả mọi nhu cầu cá nhân như vệ sinh, uống cà phê, gọi điện thoại cho người thân, bạn bè hoặc thậm chí lướt mạng, đọc báo nhất định chỉ được diễn ra trong khoảng thời gian giải lao, ai vi phạm sẽ lập tức bị máy tính trừ lương, tùy theo số phút trễ.
Nếu cô trễ quá 15 phút, sẽ có người vào thay thế làm việc. Vì đơn giản, sản xuất theo dây chuyền, chỉ cần ngưng, khuyết bất cứ một vị trí nào, tất cả kíp sẽ bị đình trệ. Tất cả mọi ngóc ngách trong cơ quan đều có lắp đặt camera, nhưng nó chỉ được sử dụng chủ yếu khi có sự cố hoặc khiếu nại thì trích xuất, chứ không phải để theo dõi, giám sát. Bởi theo cô, mỗi nhân viên đã là một camera, người này làm việc không nghiêm túc, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những người xung quanh. Lòng tự trọng không cho phép họ làm như vậy. Chăm chỉ hay biếng nhác là do ý thức và sự tự giác của mỗi nhân viên, chứ hoàn toàn không phải do bị nhắc nhở, thúc giục hay vì lo bị camera giám sát.
Hình minh họa
Câu chuyện của cô, làm tôi liên tưởng đến Việt Nam. Khi ngang qua bất cứ một quán cà phê hay nhà hàng, siêu thị nào ở các thành phố lớn vào đúng giờ làm việc, bạn rất dễ dàng bắt gặp những công chức, viên chức đang “ăn cắp” thời gian. Họ thản nhiên đi mua sắm, đi ăn nhậu, thản nhiên ngồi “chém gió”, trong khi các ông chủ hay ngân sách nhà nước vẫn đang è cổ trả lương cho họ. Đó cũng là một dạng tham nhũng được đặt tên: Tham nhũng thời gian.
Thậm chí ngay cả trong công sở, chuyện trong giờ làm việc ngồi lướt phây, đọc báo, xem phim, thậm chí là cả "tám chuyện" diễn ra phổ biến và nhiều như cơm bữa. Nhiều đến nỗi hình thành nên một lớp cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Làm sao để xử lý những cán bộ như thế để chống lãng phí hàng nghìn tỷ mỗi năm là câu hỏi không dễ trả lời, bởi sự lãng phí hữu hình thì dễ nhận thấy, còn lãng phí vô hình mới thực sự là nan giải.
Nhiều cơ quan, đơn vị đã cố gắng tính toán, rà soát, giải phóng khỏi bộ máy những người không làm việc được, những người kém phẩm chất, để bố trí những nhân lực mới có tài, có đức, song hiệu quả thu được vẫn còn hạn chế. Phải chăng là do những cơ quan, đơn vị ấy thiếu các giải pháp đào tạo, thiếu cơ chế dùng người, thiếu nội quy, quy chế hay thiếu camera giám sát? Tôi nghĩ là không. Cái thiếu lớn nhất có lẽ là liêm sỉ và lòng tự trọng của những nhân sự được trả lương. Bởi chỉ có thiếu hai thứ đó, con người ta mới không biết xấu hổ khi làm những việc xấu, việc bất minh.