Thảm kịch Rào Trăng, đâu phải do Trời…

Hải Nam| 15/10/2020 10:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi thảm kịch sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra, người dân lại “ngẩng mặt kêu Trời", cầu mong phép màu sẽ đến… Liệu rằng có oan ức cho Trời hay không? Khi năm nào cũng vậy, đến mùa mưa lũ, người dân hạ lưu các công trình thuỷ điện lại nơm nớp lo sợ.

Chiều 14/10, lực lượng cứu hộ đã đưa 19 người từ thủy điện Rào Trăng 4 về bệnh viện, tìm thấy 1 thi thể công nhân thủy điện Rào Trăng 3. Tại nơi xảy ra sạt lở, các lực lượng vẫn tiếp tục tìm kiếm theo tinh thần phải tranh thủ từng phút, từng giờ, chạy đua với thời gian.

Mọi nguồn lực, mọi phương tiện, kể cả trực thăng cứu hộ đang được tập trung cho việc cứu nạn các công nhân ở thuỷ điện Rào Trăng 3 và cả 13 người trong đoàn cứu hộ đã bị mất liên lạc, trong đó có Phó Tư lệnh Quân khu 4, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man khi còn là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình trong các mùa mưa bão, ông luôn là người xông xáo, đi đầu đưa bộ đội xuống giúp dân chạy lũ khắp sông Gianh, khắp vùng trũng các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Vô số lần, người dân được cứu bởi tướng Man và những người lính của ông giữa đỉnh lũ, ngay trong đêm.

Lần này cũng thế, tối 12/10 khi nhận tin thảm họa xảy ra tại thủy điện Rào Trăng 3, tướng Man lại cùng với những người lính của mình đã lao đi cứu dân, không một phút chậm trễ. Trên đường hành quân vào thủy điện Rào Trăng 3 để cứu nạn, đoàn công tác nghỉ chân tại Trạm quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67 và bị quả đồi đổ ụp xuống vùi lấp, san phẳng toàn bộ cả trạm.

Thảm kịch Rào Trăng, đâu phải do Trời…

Lực lượng cứu hộ đã đưa 19 người từ thủy điện Rào Trăng 4 về bệnh viện

Tại nơi xảy ra thảm kịch khiến 30 cán bộ - chiến sĩ và công nhân mất tích, năm 2008 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ ở tỉnh này. Họ đã đánh đổi 200ha rừng để đầu tư 4 thủy điện nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, 3 thủy điện ngay vùng lõi và 1 thủy điện tại khu phục hồi sinh thái, trong số đó có Rào Trăng 3 vừa gặp nạn.

Đã có nhiều ý kiến lo ngại về những tác động khủng khiếp đến hệ sinh thái, đến môi trường, đến sự an toàn tự nhiên, nhưng với những toan tính mang tính đánh đổi, thuỷ điện vẫn làm. Và khi đến mùa mưa bão nhiều thuỷ điện vẫn xả lũ, gây ra những trận lũ nhân tạo gây nên những thảm họa kinh hoàng.

Tất cả mọi vấn đề đều có căn nguyên của nó. Các bằng chứng chỉ ra rằng việc xây dựng thủy điện ồ ạt, khai thác khoáng sản bừa bãi, chặt phá rừng vô tội vạ… là những nguyên nhân chính khiến lũ chồng lũ, ngập lụt, sạt lở ngày thêm trầm trọng.

Việc gia tăng lũ lụt của các tỉnh miền Trung thời gian qua, cơ bản xuất phát từ bản chất của thủy điện tại miền Trung với quy mô vừa - nhỏ và nhiều bậc, nằm ở địa hình cao và gần cửa sông nên có đoạn trung lưu rất ngắn. Vì vậy, khi lũ về, thủy điện làm cho các dòng chảy lũ vốn đã mạnh, nay trở nên hung dữ và kéo dài hơn, gia tăng thiệt hại cho vùng hạ lưu, nhất là vùng cửa sông.

Đáng chú ý, hầu hết những công trình thủy điện đều nằm sâu trong rừng đầu nguồn, nơi có giá trị đa dạng sinh học cao và đảm nhiệm chức năng phòng hộ đầu nguồn quan trọng. Vì vậy, ngoài diện tích rừng bị phá để làm thủy điện, các diện tích rừng xung quanh cũng bị san phẳng để mở đường vận chuyển vật liệu xây dựng và máy móc thiết bị, thậm chí còn tiếp tục bị chặt phá để xây dựng những đường dây truyền tải điện đến nơi tiêu thụ.

Thảm kịch Rào Trăng, đâu phải do Trời…

Thảm kịch Rào Trăng, đâu phải do Trời…

Khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67 nơi 13 cán bộ - chiến sĩ mất tích trước và sau khi thảm kịch xảy ra

Với những cảnh báo từ trước đến nay về cái giá phải trả cho mạng lưới thủy điện dày đặc tại miền Trung, thì lũ chồng lũ với những thảm kịch như tại thủy điện Rào Trăng 3 không thể đổ lỗi hết cho thiên tai, cho ông Trời.

Bởi lẽ, với một quốc gia nhiệt đới, sự cực đoan của thiên nhiên gắn liền với người dân Việt như bóng với hình, con người đã quá quen thuộc với thiên tai, những thiệt hại này lẽ ra có thể tránh được bởi nếu xét ở góc độ văn hoá – lịch sử, mối quan hệ của người Việt đối với thiên tai là một mối quan hệ khá đặc biệt, từ chiều hướng chống chọi, đến thích nghi – thích ứng.

Hằng năm, dù "Thuỷ Tinh" hung hãn cho nước dâng cao gây lũ lụt, nhưng "Sơn Tinh" vẫn luôn chiến thắng. Truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, về bản chất là một cách dân gian cố giải thích nguồn gốc của cuộc trị thuỷ của dân tộc ta.

Người Việt dành sự tinh khôn của mình vào việc quan sát để rút ra những chiêm nghiệm về thế giới thiên nhiên, để nắm thế chủ động ứng biến với thảm họa do thiên nhiên gây ra. Sau hàng ngàn năm mòn mỏi chống chọi với giặc nước, bằng kinh nghiệm ứng biến với thiên nhiên, và lường đoán thảm họa, trong việc tổng kết các nguy cơ thường xảy ra, dần dần xuất hiện tư duy ứng biến linh hoạt hơn, đó là: “sống chung với lũ”. Điều đó có nghĩa xem lũ là một hiện tượng thiên nhiên thường gặp và sống cùng với nó.

Tuy nhiên, việc xây dựng dày đặc các công trình thủy điện dọc khu vực miền Trung đã và đang tàn phá, làm cạn kiệt rừng đầu nguồn dẫn đến hậu quả sạt lở núi và những trận lụt lịch sử nối tiếp, nhấn chìm vùng đồng bằng hạ lưu. Khi rừng mất đi cũng đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ sạt lở, làm sập, nứt nhà dân. Thậm chí, gây xói mòn, thoái hóa đất và gây ra những trận lũ cát, bùn đất, lũ chồng lũ kinh hoàng cho vùng hạ lưu các con sông.

Khi cơn lũ đi qua, những người dân miền Trung trở thành những phận đời trôi nổi theo dòng nước. Những con số thống kê thiệt hại về người và của chưa thể phản ánh hết những gì mà người dân trong vùng lũ phải gánh chịu. Nhưng với thực tế đang diễn ra tại các tỉnh miền Trung, có lẽ, chúng ta không nên đưa ra bài toán mang tính đánh đổi, lợi ích kinh tế hơn, rừng hơn hay thủy điện hơn mà cần phải đặt lợi ích của người dân lên đầu. Nhiều người cho rằng, thảm họa mà người dân miền Trung đang gánh chịu nói chung và bi kịch tại thủy điện Rào Trăng 3 nói riêng không phải từ trên trời rơi xuống mà chính từ việc làm của con người gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảm kịch Rào Trăng, đâu phải do Trời…