Tin địa phương

Thái Nguyên thông qua nhiều nghị quyết quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

PV 14/07/2025 - 18:56

Chiều 14/7, tại Kỳ họp thứ hai (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021–2026, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 5 nghị quyết quan trọng, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện thể chế và hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

ky-hop-hoi-dong-nhan-danh-tinh-thai-nguyen-thu-12-153440_641-161335.jpeg
Kỳ họp thứ hai (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Nghị quyết đầu tiên được thông qua là về việc đề xuất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tuyến cao tốc CT.07, đoạn Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ Mới. Đây là dự án mang ý nghĩa chiến lược trong việc kết nối vùng thủ đô với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội liên vùng.

Tuyến cao tốc có tổng chiều dài khoảng 100,69km, chia làm 2 đoạn: Đoạn 1 (Hà Nội – Thái Nguyên) có chiều dài 61,2km, từ nút giao Vành đai III đến nút giao Tân Long, đầu tư theo quy mô 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 100km/h. Đoạn 2 (Thái Nguyên – Chợ Mới) có chiều dài 39,49km, từ nút giao Tân Long đến nút giao Thanh Bình (xã Chợ Mới), đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 100km/h.

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 16.789 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), trong đó, vốn nhà nước khoảng 5.363 tỷ đồng gồm ngân sách Trung ương và địa phương.

betterimageai-174791130584120250522175514.jpg
Một đoạn tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới.

HĐND tỉnh cũng thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đến làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh sau hợp nhất. Theo đó, khoảng 945 người sẽ được hưởng hỗ trợ đi lại và thuê nhà ở với mức 4 triệu đồng/người/tháng trong thời gian 27 tháng. Tổng kinh phí thực hiện chính sách này ước tính hơn 102 tỷ đồng.

Chính sách nhằm tạo điều kiện ổn định đời sống, sinh hoạt cho cán bộ, nhân viên trong giai đoạn đầu vận hành trung tâm hành chính mới, đồng thời đảm bảo hiệu quả công tác, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ba nghị quyết còn lại được thông qua tại kỳ họp chuyên đề gồm: Giao UBND tỉnh quyết định điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021–2025 và kế hoạch hàng năm của ngân sách cấp huyện; Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2025; Quy định thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ, dự toán kinh phí cho các hoạt động mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, thuê tài sản, dịch vụ và đầu tư hạng mục công trình trong các dự án đã triển khai.

Các nghị quyết này góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính – ngân sách, bảo đảm tính linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và phân bổ nguồn lực đầu tư công.

ong-nguyen-dang-binh-153451_637-161336.jpeg
Ông Nguyễn Đăng Bình - Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại kỳ họp.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Đăng Bình – Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, các nghị quyết vừa thông qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Thái Nguyên đang tập trung cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan HĐND, UBND, các sở ngành, địa phương và đại biểu HĐND tỉnh sớm xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết một cách quyết liệt, đồng bộ, sát thực tiễn để nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp sau sáp nhập, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt và không để xảy ra khoảng trống pháp lý trong tổ chức thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên thông qua nhiều nghị quyết quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội