Trong diễn biến mới nhất, quân đội đã ban hành lệnh cấm ra nước ngoài đối với 155 quan chức cấp cao, trong đó có các lãnh đạo của chính phủ vừa bị lật đổ.
Binh sĩ Thái Lan được triển khai tại Bangkok. Ảnh: AFP
Liên quan đến lệnh triệu tập của quân đội, ngày 23/5, Thủ tướng tạm quyền vừa bị lật đổ Niwattumrong Boonsongpaisan và cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra cùng 37 chính khách khác đã ra trình diện quân đội tại một căn cứ quân sự ở Bangkok. Trước đó, quân đội đã có lệnh triệu tập hơn 100 lãnh đạo và quan chức dân sự ở tất cả các bên ra trình diện sau khi tuyên bố đảo chính, đình chỉ hiến pháp, áp đặt giới nghiêm vào ban đêm, đồng thời giải thích rằng hành động này là nhằm bảo vệ tính mạng người dân, ngăn chặn xung đột leo thang và đưa tình hình đất nước sớm trở lại bình thường.
Tiếp theo các phản ứng của quốc tế về cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan, ngày 23/5, đã có thêm Malaysia cảnh báo công dân hoãn các chuyến đi không quan trọng tới Thái Lan, trong khi Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Thái Lan - dù không cảnh báo du lịch nhưng cũng kêu gọi "lập lại hệ thống chính trị dân chủ". Được biết, các xưởng sản xuất hãng xe hơi Toyota và Honda của Nhật Bản tại Thái Lan đã phải cắt giảm các ca đêm vì lệnh giới nghiêm. Trong khi đó, Chính phủ New Zealand cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tình hình tại Thái Lan. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Murray McCully nhận định: "Khó tưởng tượng chính quyền quân sự sẽ giải quyết khủng hoảng chính trị hiện nay như thế nào. Việc bắt giữ các lãnh đạo chính trị là không thể chấp nhận". Ông McCully cũng kêu gọi Thái Lan sớm khôi phục nền dân chủ, lập lại trật tự pháp luật, đồng thời kêu gọi quân đội ấn định lịch trình rõ ràng cho các cuộc bầu cử và các bên giải quyết bất đồng thông qua đàm phán.
Từ năm 1932 tới nay, tại Thái Lan đã biết tới 19 cuộc đảo chính và âm mưu đảo chính. Hành động can thiệp này thường cần sự thông qua của Hoàng gia. Hiện chưa rõ cuộc đảo chính mới nhất của Tướng Prayut Chan O-cha đã được Hoàng gia thông qua hay chưa.
TT