Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Đó là những yếu tố không thể thiếu trong cái Tết cổ truyền của người Việt Nam.
Tết xưa, là một điều thiêng liêng thành kính trong tâm thức những cụ cao niên, những người lớn tuổi. Đối với họ, so với Tết xưa, Tết nay có phần khác biệt hơn rất nhiều, nhưng về cơ bản Tết nay vẫn giữ được nét cổ truyền đặc trưng từ bao đời để lại.
Chúng tôi đến thăm nhà cụ Văn Đức Đoài (101 tuổi, trú xóm 13, xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu, Nghệ An), gặp cảnh cụ ông đang chải tóc cho cụ bà Hoàng Thị Hợi (100 tuổi). Mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng trí óc 2 cụ vẫn rất minh mẫn. Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về Tết xưa, đôi mắt 2 cụ ánh lên sự phấn khởi vui tươi.
Cụ Đoài cho biết, Tết xưa mộc mạc, đơn sơ nhưng gần gũi ấm cúng. Trẻ em, người lớn thời xưa rất háo hức mỗi khi Tết đến, Xuân về. Những ngày giáp Tết, tầm 27- 28 nhà nhà, người người đã tươm tất mọi việc, cùng nhau đi phiên chợ tết ngày 29. Đám thanh niên ra bãi kiếm cây tre, cây nứa cao, thẳng tắp, có ngọn nhỏ chặt về dựng cây nêu, treo cờ trước sân nhà. Thời đó, nếu nhà nào chưa dựng cây nêu là chưa có không khí tết.
Cụ Đoài và cụ Hợi háo hức kể về Tết xưa
Tối 29, bà con trong một xóm, hay trong một gia đình sẽ hùn vốn, góp nếp, góp thịt mỡ, đậu xanh, lá dong, giang lạt cùng nhau ngồi gói bánh và trực nấu bánh chưng đêm 29 tết. Khi bánh chín, lại cùng nhau vớt bánh và phân chia về các gia đình.
Đến sáng 30 Tết, nhà nào nhà nấy đều có vài cân thịt lợn treo trước cửa, bánh chưng xanh đã để đầy mẹt chờ ráo nước trước hiên nhà. Vui nhất là khoảng chiều 30 Tết, tại sân đình của làng, các gia đình người góp thịt luộc, người góp bánh chưng, người góp con cá, niêu cơm, hũ rượu cùng nhau ngồi ăn một bữa tất niên, thể hiện sự đoàn kết, mong một năm làm ăn thuận lợi, no ấm đủ đầy hơn.
Đến sáng ngày mùng 1 Tết, tất cả những người con trai trong nhà đều phải tràn xuống nhà thờ họ từ sáng sớm, tham gia tế tổ, làm thịt heo, dâng lên bàn thờ, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ nguồn cội. Sau tế lễ, cả họ tộc sẽ thụ lộc của tổ tiên ban phát, uống với nhau chén rượu mừng chào đón năm mới.
“Tết xưa thì rộn ràng lắm, tết nay thì không khí bị giảm, vì của cải dư thừa, vật chất đủ đầy, dường như ngày nào cũng là Tết, ngày nào họ cũng có mâm cao cỗ đầy, nên cái háo hức ngày Tết được ăn ngon, mặc đẹp dường như là không có, những nét xưa bị nhạt dần như chuyện góp nếp, thịt làm bánh chưng, mổ lợn chia nhau, hay cả làng ăn cùng nhau không còn, đa số bây giờ nhà nào tự lo nhà đó”, cụ Đoài cho biết thêm.
Còn cụ Hợi thì hồ hởi, ngày xưa cứ sắp đến Tết là cánh phụ nữ chúng tôi lại lo về việc nấu rượu, loại rượu dùng trong Tết phải là loại được nấu từ gạo nếp chiêm, thơm nồng, ngay ngất. Để có được chum rượu đón tết, chúng tôi phải nấu, ủ cách tết 2 tháng, như thế rượu mới đủ độ ngọt, vị nồng. Tính làm sao cứ đúng 29 Tết là tròn 2 tháng, rượu sẽ được bắc lên bếp, chưng cất, bỏ vào chum dùng suốt mấy ngày tết, kéo dài đến các lễ hội, rồi ngày Rằm tháng Giêng…
Tết xưa bọn trẻ con rất háo hức, vì chúng được bố mẹ mua cho bộ quần áo đẹp, ăn những món ăn mà ngày thường chúng thèm nhưng không có, được người lớn tuổi lì xì. Tiền lì xì ngày đó không to như bây giờ. Ngày đó chỉ có tờ 100 đồng, hoặc 200 đồng mới toanh, đưa trực tiếp chứ không gói lại trong bao, mà 100 đồng thời đó mua được nhiều kẹo lắm.
Giờ đây, những tờ tiền đó không còn, tục nấu rượu đón Tết cũng dần mai một, cứ thấy rượu tây, rượu công nghiệp bày đầy bàn thờ, không còn cảnh rót rượu trong chum vào chai rồi xé lá chuối nút lại dùng dần nữa. Trẻ con thời nay sướng hơn rất nhiều, ngày nào cũng có quần áo mới mặc và được ăn những gì chúng thích.
Cụ Tiêu nói về Tết xưa trong ký ức
Khi được hỏi về ký ức Tết xưa, ông giáo làng - Đậu Xuân Tiêu (86 tuổi, trú xóm 12, Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu, Nghệ An) chia sẻ: Tết xưa vui lắm, cũng đào, cũng mai nhưng nó đặc biệt hơn là các loại mai, đào chơi Tết được lấy từ tự nhiên, từ các khe suối, vách núi hoặc tự trồng trước cổng nhà. Bây giờ, đào mai cũng được lai giống nhiều, con người tác động tạo ra các thế nhiều, không được tự nhiên nữa. Vui nhất là chuyện cho chữ và đi mua chữ chiều 30 Tết ở các đình làng. Những ông đồ với câu đối đỏ luôn thường trực ở đó để các gia đình đến xin chữ về treo 2 bên cột nhà. Thời đó, các cụ viết chữ đẹp lắm, sắc nét, ý nghĩa, bây giờ thì không còn cảnh mài mực, rộn ràng xếp hàng xin chữ nữa, thay vào là các câu đối in bằng máy.
Ngày xưa chưa có luật cấm đốt pháo, ở trong nhà ai cũng có 1 cuộn pháo tràng, bọn trẻ con hay mua pháo tép về treo trước cổng nhà, đúng thời khắc giao thừa, những tràng pháo sẽ đồng loạt nổ vang, vui tai đến lạ. Sáng mùng 1 bước ra, xác pháo đỏ cả mặt đường như cái lộc của đất trời để lại.
Tết xưa trong ký ức những người cao tuổi là thế, nó mộc mạc, đơn sơ, thân thương gần gũi đến lạ. Nghèo khó mà đầy ắp hương vị, ấm nồng tình nghĩa láng giềng.