Tết Táo Quân - một phong tục nhân văn

Lâm Uyên| 04/02/2015 07:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuối năm, theo tín ngưỡng dân gian, ngày 23 tháng Chạp - Tết Táo Quân là ngày các Táo lên Thiên đình dự họp “Hội nghị Tổng kết”.

Đó là sự kiện nhắc nhở mỗi gia đình, mỗi người luôn luôn phải sống có đạo đức, chăm làm việc thiện, ngăn ngừa điều ác. Làm điều gian ác có thể giấu được con người nhưng không thể giấu được Táo Quân, Thổ Công trong nhà.

Tục thờ Thần Bếp

Ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt gọi là Tết Táo Quân – Táo nghĩa là Bếp, Quân là Vua, do đó Táo Quân là Vua Bếp. Danh hiệu đầy đủ của Ngài Vua Bếp là “Đông Trù Tư mệnh Táo phủ thần quân”. Tục này có nét tương đồng với tục thờ Thần Lửa của nhiều dân tộc trên thế giới.

Trong “Việt Nam phong tục” cụ Phan Kế Bính viết: Ta thường lấy ngày ấy là ngày Vua Bếp lên chầu Trời. Nguyên trong đạo Lão Tử có nói rằng: Ngày 23 tháng Chạp thì Táo Quân lên chầu Trời tâu bày thiện ác của nhân gian.

Lại có sách nói rằng, ngày xưa có hai vợ chồng nghèo phải bỏ nhau. Người vợ về sau lấy được chồng giàu có. Một hôm cúng đốt vàng mã ngoài sân, có người vào ăn xin, người đàn bà trông thấy chồng cũ của mình động lòng thương cảm, đem cơm gạo tiền bạc ra cho. Người chồng sau biết chuyện nghi cho vợ. Người vợ xấu hổ đâm đầu vào đống lửa mà chết. Người chồng cũ cảm tình ân nghĩa  cũng nhảy vào đống lửa chết theo. Người chồng sau thương vợ cũng nhảy vào đống lửa, thế là cả ba cùng chết cháy.

Thượng đế thương tình, thấy ba người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm Vua Bếp hay còn gọi là Định Phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.

Tết Táo Quân - một phong tục nhân văn

Mua cá ngày 23 tháng Chạp

Dân ta theo hai điển ấy nên đến 23 tháng Chạp thì sắm lễ có bộ mã hai mũ ông, một mũ bà, kèm theo áo, hia và mua con cá chép để tiễn Táo Quân lên thiên đình.

Khác biệt 3 miền

Cả ba miền Bắc Trung Nam của ta đều tương đồng nhau ở sự tích Táo Quân và đều duy trì phong tục này, tuy nhiên “đại đồng, tiểu dị” vẫn có sự khác biệt nhất định.

Ở miền Bắc, ngày này lễ vật ngoài vàng mã, cá chép, nhiều nơi cúng xôi chè, thường là chè bà cốt. Khi nấu chè cúng người ta cố ý để chè vương lên ông đầu rau, thậm chí chủ động bôi chè lên đầu rau để Táo Quân lên Trời tâu bày cho ngọt giọng. Táo Quân được thờ trên bàn thờ riêng cao hơn bàn thờ tổ tiên, trên đó thờ bộ mũ, hia. Sau khi cúng bái, đốt vàng mã, người ta cũng thay ba ông đầu rau trong bếp bằng cách thả xuống ao và thay bộ mới vào bếp, thay bộ mũ trên bàn thờ.

Quan niệm đây là thời gian nghỉ ngơi, bàn giao của Hành khiển và Táo Quân nên các gia đình cũng bao sái các bàn thờ  trong gia đình, đốt hết chân nhang cũ, lau chùi bát hương, ban thờ sạch sẽ để chuẩn bị đón năm mới.

Ngày nay nhiều nơi còn bày cỗ cúng gia tiên và ăn uống vui vẻ.

Ở Huế người ta vừa thờ Táo Quân trên Trang Ông, vừa thờ trên bàn thờ Bếp. Tối 30, mồng 1,14, ngày rằm hàng tháng gia chủ đều dâng cúng hoa quả, thắp nén nhang. Ngày thường phải thắp đèn dầu trong bếp. Người phụ nữ được căn dặn phải giữ sạch sẽ, tinh khiết và yên tĩnh nơi bếp núc.

Hằng năm, vào ngày 23 tháng chạp, Táo Quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Đế, cho nên để Vua Bếp phù hộ cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể.

Trước lễ, lư hương đã được thay cát mới, bàn thờ ông Táo được lau dọn tinh tươm. Sau lễ, tượng ba ông Táo cũ bằng đất nung được tiễn khỏi bàn thờ bếp, đưa đến đặt cạnh các am miếu ở đầu xóm, hay ở dước gốc cổ thụ cạnh ngã ba đường. Tượng ba ông Táo mới được rước lên bàn thờ, bắt đầu “nhiệm kỳ” một năm coi sóc bếp núc cho gia chủ.

Trong sáng ngày 23 tháng Chạp còn có lễ dựng nêu ở trước sân nhà, sân đình. 23 tháng Chạp và tất niên, đêm Giao thừa, mồng 1 và mồng 3 Tết là những ngày mà người dân Huế đốt nhiều nhất vàng mã. Lễ cúng chiều 30 tết, lại cúng rước thần về, sáng mồng 1 Tết an vị ông Táo mới. Người Huế, khi kỵ, chạp hay cũng lễ gì trong nhà cũng khấn vái để Thần Bếp chứng giám.

Ở miền Nam, theo nhà nghiên cứu Vương Đằng trong “Phong tục miền Nam” thì Tết Táo Quân của người miền Nam giản dị hơn người miền Bắc, chỉ cần một đĩa “thèo lèo cứt chuột” , một bộ “cò bay, ngựa chạy”, bình bông, nhang đèn hay đĩa trái cây là đủ rồi. “Thèo lèo” là kẹo đậu phộng,  “cứt chuột” là kẹo vừng đen. “Cò bay, ngựa chạy” là hình con cò và con ngựa cắt bằng giấy, không làm có khung tre  và trang trí cầu kỳ kiểu miền Bắc.

Tết Táo Quân trong Nam không có tục trút lư nhang để thay cọng nhang, không mua cá chép thả trong chậu rồi thả sông, không hóa vàng áo mũ thờ, vì không thờ áo mũ.

Ngày này văn hóa vùng miền đang ngày càng có sự giao thoa nên sự khác biệt cũng chỉ là tương đối. Tuy nhiên, những giá trị nhân bản của tục này thì còn mãi. Đó là sự nhắc nhở mỗi gia đình, mỗi người luôn luôn phải sống có đạo đức, làm việc thiện, ngăn ngừa điều ác. Làm điều gian ác có thể giấu được con người nhưng không thể giấu được Táo Quân, Thổ Công trong nhà.

Tục thả cá cũng là phong tục đẹp, thể hiện đức hiếu sinh, trân trọng sự sống, bảo vệ môi trường, giữ gìn môi sinh trong lành và đa dạng. Ngày nay thay vì thả cá chép, người ta có thể thả cá vàng cho đẹp mắt.Tuy nhiên, thả cá là một nghi lễ, phong tục đẹp nhưng nhiều người chưa biết cách thả, nhiều người đứng trên cầu đổ cá xuống sông, có khi ném luôn cả túi ni lon, như vậy thì cá chết và thêm ô nhiễm môi trường. Nếu thả cá, ta cần xuống tận mặt nước, nhẹ nhà mở túi cho cá bơi ra, trông thấy cá tung tăng trong dòng nước ta sẽ thấy vui…

Văn khấn Táo quân

Đã cúng thì phải có lời khấn, có thể khấn nôm na, có thể đọc văn khấn nhưng cốt lõi nhất vẫn là sự thành tâm. Nội dung khấn bằng cách này hay cách khác cũng như một lá đơn, có kính thưa, kính gửi, xưng tên tuổi địa chỉ và lý do cầu cúng, trình bày nguyện vọng và cuối cùng là cảm tạ.

Vì vậy, ta có thể khấn theo một gợi ý chúng tôi đưa ra dưới đây.

Kính thỉnh Ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Chúng con là: ……   Ngụ tại:…

Hôm nay ngày 23 tháng Chạp chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm  vật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần, cảm tạ tôn thần đã gia ân phù hộ cho gia đình chúng con một năm qua được mạnh khỏe, bình an, vạn sự may mắn. Cúi xin Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân lai lâm chứng giám.

Cúi xin Tôn thần gia ân lượng thứ cho mọi lỗi lầm trong năm qua của gia chủ chúng con. Chúng con nguyện xin làm điều nhiều điều lành, tránh mọi điều ác.

Kính xin Tôn thần ban phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ được an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn xong, đợi hương tàn rồi lễ tạ, hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối (nếu có cúng cá sống)…

Hiện nay trên mạng phổ biến các bài văn khấn. Ví dụ: “Nam mô A di đà Phật! Nam mô a di đà Phật! Nam mô A di đà Phật! Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân…”

Hay “Tấu thỉnh Thổ Công táo quân thiên đình, Tam giới, Thần thánh chư thiên. Thiên phủ, Địa phủ, Thủy phủ, Nhạc phủ vạn pháp thần thông. Tấu thỉnh Thổ Địa thần kỳ, Thành Hoàng xá lệnh”…

Theo thiển ý của chúng tôi, khi ta bày tiệc kính tiễn ông bà Vua Bếp, những vị thần nhỏ, thân thiết với gia đình mình thì không nên mời Đức Phật A Di Đà rồi Thần thánh, chư Phật cả 10 phương, hoặc Tứ phủ, Thành hoàng đến cùng dự lễ. Các cụ bảo “Âm dương đồng nhất lý” nghĩa là Trần sao âm vậy, ví như bày tiệc tiễn bác Hộ tịch nhân tổng kết cuối năm thì chỉ mời riêng bác ấy thôi mới thân thiện và trang trọng, nếu mời thêm cả các cấp lãnh đạo, các ban ngành đến cùng dự thì bác Hộ tịch trở thành nhân vật phụ mất rồi, sao mà vui lòng được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết Táo Quân - một phong tục nhân văn