Ngày 17/01, Bộ Tài chính Mỹ đã xử phạt 11 đơn vị và cá nhân, trong đó có 6 người Iran và một công dân Trung Quốc, do có liên quan đến hoạt động thu mua cho chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) tại Vienna, Áo, vào ngày 16/01/2016. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử (IAEA) đã xác định Tehran đáp ứng tất cả các điều kiện của thỏa thuận hạt nhân lịch sử với nhóm P5+1.
Động thái nói trên xảy ra ngay sau ngày thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Tehran và nhóm P5+1 gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức chính thức có hiệu lực, cùng với các lệnh cấm vận mà Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu liên quan được gỡ bỏ.
“Điều này cho thấy dường như chính phủ Mỹ đang cố gắng khiêu khích, và rằng họ không cảm thấy cần được tin cậy và thực hiện nghiêm túc”, Sputnik dẫn lời nhận định của Mohammad Marand, một giáo sư tại Đại học Tehran.
Theo ông Marandi, hành động của Mỹ trái ngược với tinh thần của thỏa thuận hạt nhân mà Iran và 6 cường quốc đã đạt được hồi tháng 7/2015. “Tuy nhiên, nó chỉ đơn giản như một lời nhắc nhở người dân Iran rằng không thể tin tưởng Mỹ”, trong khi sự thành công của bản thỏa thuận hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Mỹ, giáo sư nhấn mạnh.
“Nếu Mỹ hi vọng có thể khôi phục các cơ chế trừng phạt bằng những cái cớ như tên lửa Iran, chủ nghĩa khủng bố, hay quyền con người, họ đã lầm. Họ sẽ chỉ cho cộng đồng quốc tế và tất cả mọi người thấy rằng các chương trình hạt nhân của Iran chỉ đơn giản là một lời biện hộ cho cuộc khủng hoảng được bịa đặt này mà thôi”, ông nói.
“Thật bất ngờ, chưa bao giờ xảy ra những điều như thế này”. Nguồn tin từ Công ty Thương mại Tổng hợp Candid (Candid Trading) có trụ sở tại Arập Saudi cho biết, ban quản trị công ty không hề hiểu được lý do của biện pháp trừng phạt mới là gì.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính Mỹ, Candid Trading bị xử phạt do đã ủng hộ hoặc cố gắng hỗ trợ Mabrooka Trading, một công ty hiện chịu sự trừng phạt do hợp tác với Công ty Vật tư tổng hợp Navid có trụ sở tại Iran.
Thế nhưng, động thái của Mỹ đã không thể làm “lu mờ” sự trở lại của Iran trên thị trường toàn cầu khi các lệnh cấm vận trước đó được dỡ bỏ. Theo Manouchehr Takin, một chuyên gia và dầu mỏ và năng lượng đến từ Lodon, đối với thị trường dầu mỏ, sự trở lại của Tehran có khả năng dần đẩy giá dầu xuống sâu hơn nữa.
“Có thể là trong 2 - 3 tháng tới, Iran sẽ không đạt được sản lượng dầu quy định, nhưng trong năm nay, Tehran có thể sản xuất được ít nhất 500.000 thùng dầu/ngày. Và quả thực, điều này có thể khiến giá dầu giảm xuống”, ông Takin nói.
Từ tháng 6/2014 - 01/2015, giá dầu đã giảm từ 115 USD xuống 49,5 USD/thùng, và giảm xuống mức kỷ lục vào đầu năm nay trong bối cảnh dư thừa nguồn cung toàn cầu.