Tây Ninh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số của nền hành chính, hướng đến phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, cải cách hành chính (CCHC - Par Index) trở thành một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, là chìa khóa để xây dựng một môi trường sống và làm việc thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Nhiều năm qua, Tây Ninh xác định rõ mục tiêu của việc CCHC là nâng cao chất lượng nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Để làm được điều này, Tây Ninh đã có sự đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách, quy định liên quan đến CCHC mà giải pháp quan trọng đầu tiên là đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm bớt giấy tờ không cần thiết sẽ giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng hơn.
Cạnh đó, tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai các hệ thống phần mềm quản lý, cung cấp dịch vụ công trực tuyến để người dân có thể thực hiện các giao dịch hành chính mọi lúc, mọi nơi. Điều này không chỉ giúp giảm tải cho các cơ quan hành chính mà còn nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý.
Ngoài ra, chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, đây cũng là yếu tố quyết định đến thành công của CCHC.
Thời gian qua, Tây Ninh tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng giao tiếp, xử lý công việc và tinh thần phục vụ nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Song song với việc triển khai các giải pháp, Tây Ninh luôn quan tâm đến phản hồi từ phía người dân, doanh nghiệp qua các kênh thông tin như hotline, email, trang web để kịp thời điều chỉnh, cải tiến thủ tục hành chính.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh luôn quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao CCHC ở địa phương.
Dù thực hiện nhiều giải pháp nhưng theo báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh, các chỉ số Par Index, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (Sipas) giai đoạn 7 năm (2017- 2023), Tây Ninh xếp hạng dưới trung bình so với cả nước.
Qua khảo sát, có khoảng 10,94% người dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trả lời rằng có hiện tượng công chức gây phiền hà, sách nhiễu, khi giải quyết việc công (giảm 7,09% so với năm 2022); khoảng 9,14% người dân được hỏi trả lời rằng phải đưa tiền ngoài quy định khi giải quyết việc công cho công chức (giảm 9,18% so với năm 2022).
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhìn nhận, năm 2023, kết quả chỉ số Par Index, Sipas CCHC của tỉnh vẫn còn thấp.
Theo ông Ngọc, vẫn còn nhiều nội dung, tiêu chí thành phần trong các chỉ số Par Index, Sipas chưa đạt hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Các nội dung liên quan chính sách phát triển kinh tế, quản trị môi trường, tiếp cận đất đai, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị có chỉ số thấp.
"Vẫn còn những cán bộ, công chức, viên chức có thái độ giao tiếp, ứng xử chưa đúng mực, gây bức xúc với công dân, nhất là một số lĩnh vực như đầu tư, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…", người đứng đầu chính quyền tỉnh Tây Ninh chỉ rõ.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thanh Ngọc, sự nỗ lực trong công tác CCHC của Tây Ninh vẫn chưa tạo ra những chuyển biến tích cực, những điểm nhấn đối với từng lợi thế của địa phương chưa được phát huy hết.
Trước thực trạng trên, người dân Tây Ninh mong muốn tỉnh tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giải quyết công việc cho người dân; tăng cường trách nhiệm giải trình của chính quyền đối với nhân dân; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của công chức trong giải quyết công việc cho nhân dân; nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức trong giải quyết công việc; nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị...
Thời gian tới, Tây Ninh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nâng cao các chỉ số như khắc phục trong từng chỉ số; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; CCHC gắn kết với thực hiện chuyển đổi số; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước; tăng cường đổi mới, sáng tạo; chú trọng đến các chính sách, dịch vụ người dân quan tâm nhiều; nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ...
Cải cách hành chính tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2030 tập trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.