Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng dương; văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến; du lịch tăng trưởng và phát triển nhanh, tạo ấn tượng mạnh mẽ; thu hút đầu tư trong và ngoài nước khá… là những kết quả nổi bật của Tây Ninh trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Tây Ninh vừa có báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Theo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, kinh tế tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, từ năm 2020-2021, GRDP tăng lần lượt 3,23% và 0,88%, riêng năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, GRDP đạt mức tăng trưởng 9,2%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,07%. Mức tăng bình quân 2,5 năm đạt 4,72%.
GRDP bình quân đầu người từ 3.190 USD năm 2020 tăng lên 3.690 USD vào năm 2022, bằng 33,1% so mục tiêu đến năm 2025. Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 tăng 2,37%, năm 2022 tăng 15,46%, 6 tháng năm 2023 tăng 4,3%.
Văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội được tổ chức đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của Nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện (năm 2020: 4.246 nghìn đồng/tháng; năm 2022: 4.617 nghìn đồng/tháng).
Trong 3 năm liên tiếp, Tây Ninh thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh đang chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và ngành dịch vụ trong GRDP.
Về nông nghiệp, ngành trồng trọt từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích cây ăn quả, giảm diện tích cao su, mía, lúa. Các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp được ban hành tương đối toàn diện và phù hợp, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tăng cường liên kết sản xuất.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai quyết liệt. Tây Ninh phấn đấu đến cuối năm 2023 có 65/71 xã đạt chuẩn NTM, đạt 91,5%; 25/36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt 69,44%; 3/12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đạt 25%; lũy kế đến cuối năm 2023 có 4/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đạt 44,4%.
Về công nghiệp, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 36% trong GRDP, tiếp tục đóng vai trò chủ lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.
Tỉnh hiện có 5 khu công nghệ (KCN) đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 65,52%. Tính đến 30/6/2023, tổng vốn thu hút đầu tư vào địa bàn các KCN, KKTCK trên địa bàn tỉnh đạt 2.099 triệu USD và 5.782 tỷ đồng. Lũy kế đến nay thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt 9.052 triệu USD và 20.945 tỷ đồng.
Về thương mại – dịch vụ - du lịch, hệ thống thương mại phát triển nhanh và rộng khắp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng bình quân 9,8%/năm; trong đó, ngành bán lẻ chiếm tỷ trọng bình quân trên 80%. Các loại hình hình thương mại như thương mại điện tử, mua bán trên nền tảng số… được khai thác tốt, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ hàng hóa, duy trì chuỗi cung ứng, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 14.057 triệu USD, tăng bình quân 14,2%/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 94,9%. Riêng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 6,4 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Kim ngạch nhập khẩu đạt 12.290 triệu USD, tăng bình quân 23,1%/năm.
Du lịch tăng trưởng và phát triển nhanh, tạo ấn tượng mạnh mẽ, đặc biệt là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen được đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo ra những sản phẩm du lịch tâm linh đặc sắc, trở thành trung tâm dẫn dắt, lan tỏa kết nối chuỗi giá trị du lịch địa phương, đã và đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, đẳng cấp mang tầm quốc gia.
Tây Ninh đang hoàn thiện ứng dụng du lịch thông minh để tăng cường quảng bá, giới thiệu, tạo ấn tượng với du khách. Đã có 19 dự án được cấp phép đầu tư thuộc lĩnh vực dịch vụ du lịch, với tổng vốn đầu tư 9.114 tỷ đồng.
Tỉnh cũng rà soát, có giải pháp cụ thể mời gọi đầu tư, phát triển loại hình du lịch sinh thái trong hồ Dầu Tiếng, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, căn cứ Trung ương cục miền Nam, du lịch ven sông Vàm Cỏ Đông.
Trong nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt khá, thu hút mới 167 dự án và 114 dự án điều chỉnh vốn. Tổng vốn thu hút đầu tư đạt 37.968 tỷ đồng và 2.023 triệu USD.
Trong đó, đầu tư nước ngoài thu hút 43 dự án với vốn đăng ký 889 triệu USD, 57 dự án tăng vốn với 1.253 triệu USD, 12 dự án giảm vốn 132 triệu USD.
Đầu tư trong nước, cấp mới 124 dự án với vốn đăng ký 31.244 tỷ đồng, 41 dự án tăng vốn với 7.052 tỷ đồng, 4 dự án giảm vốn 328 tỷ đồng. Nổi bật, có 5 dự án có tổng vốn đầu tư lớn (3.000 tỷ đồng trở lên) đang được triển khai thực hiện.
Những kết quả trong nửa đầu nhiệm kỳ thể hiện sự nỗ lực của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và cả hệ thống chính trị tỉnh Tây Ninh.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt lại quan điểm chỉ đạo cốt lõi trong Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Thực hiện nhất quán quan điểm “phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”.
Đoàn kết, thống nhất, đổi mới, sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và xác định các yếu tố bứt phá để phát triển nhanh, bền vững, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của vùng và cả nước; thực hiện tốt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, liên kết; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ;
Xây dựng hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới và mục tiêu “Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đến năm 2030, trở thành địa phương phát triển khá của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước”.
Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm của Tây Ninh đều đạt và vượt dự toán Trung ương giao, trong 2,5 năm, tổng thu NSNN là 28.416 tỷ đồng, đạt 43,6% so với kế hoạch giai đoạn, tăng bình quân 7,2%/năm, trong đó thu nội địa là 24.544 tỷ đồng, đạt 41,8% kế hoạch giai đoạn, tăng bình quân là 6,2%/năm. Thu nội địa vẫn là nguồn thu quan trọng, chiếm tỷ trọng 86,4% tổng thu ngân sách đến giữa nhiệm kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương là 27.186 tỷ đồng, đạt 36,6% so kế hoạch giai đoạn. Về cơ bản, đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, phục vụ tốt các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị.
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã bố trí 9.985,048 tỷ đồng vốn đầu tư công, thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh, trong đó nguồn thu tiền sử dụng đất và nguồn xổ số kiến thiết đóng vai trò chủ chốt 80,8% tổng nguồn vốn (ngân sách tập trung 1.773 tỷ đồng, chiếm 17,8%; nguồn thu tiền sử dụng đất 2.909 tỷ đồng.