Ngày 4/10, UBND TP. Hải Phòng tổ chức họp phiên thường kỳ tháng 9/2024 đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2024; bàn phương hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì phiên họp.
Theo báo cáo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố trong tháng 9 cũng như 9 tháng năm 2024 tiếp tục ổn định và phát triển, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố tiếp tục được cải thiện. Hiệu quả từ chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư của thành phố đã mang lại kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo đó, 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 9,77% so với cùng kỳ năm 2023 (kế hoạch năm đặt mục tiêu tăng 11,5 - 12%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 14% so với cùng kỳ năm 2023 (kế hoạch năm tăng khoảng 15%).
Tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt gần 87.500 tỷ đồng, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm 2023, bằng trên 82% dự toán HĐND thành phố giao (dự toán giao 106.761 tỷ đồng); trong đó thu nội địa đạt gần 38.700 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt gần 48.900 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 148.100 tỷ đồng, tăng trên 9% so với cùng kỳ năm 2023, bằng trên 70% kế hoạch năm. Đến ngày 20/9/2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 8.300 tỷ đồng, bằng 42% kế hoạch HĐND thành phố giao (kế hoạch giao trên 19.900 tỷ đồng).
Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 26 tỷ USD, tăng trên 26% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 80% kế hoạch năm. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 123 triệu tấn, tăng trên 9% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 65% kế hoạch năm.
Khách du lịch đến Hải Phòng đạt trên 7,1 triệu lượt khách, tăng trên 13% so với cùng kỳ năm 2023, bằng trên 78% kế hoạch năm.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 1,7 tỷ USD, giảm trên 43% so với cùng kỳ năm 2023, bằng trên 85% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, trong tháng 9/2024, do ảnh hưởng từ cơn ão số 3, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn đều bị ngừng trệ một thời gian, làm nhỡ tiến độ xuất hàng, chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng thấp, kéo theo chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp IIP tháng 9/2024 ước tăng trưởng thấp 3,48% so với cùng kỳ. Ngoài gây thiệt hại về người, bão số 3 gây thiệt hại về tài sản ước tính hơn 12.249 tỷ đồng.
Trước những khó khăn và ảnh hưởng của bão số 3, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quý IV năm 2024, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh: Năm 2024, thành phố đặt mục tiêu GRDP tăng từ 11,5 - 12% so với năm 2023, trong khi 9 tháng mới đạt 9,77%. Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, quyết tâm giữ mức 2 con số, toàn thành phố cần tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các Sở, ngành, địa phương, nhất là với đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu công thấp hơn mức bình quân chung của thành phố cần chủ động, tập trung cao nhất đến nhiệm vụ này; khẩn trương thực hiện giải ngân đối với dự án đã hoàn thành và đẩy nhanh trình tự, thủ tục đầu tư các dự án.
Các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng theo đúng kế hoạch đề ra; chủ động báo cáo, đề xuất lãnh đạo thành phố, sở, ngành liên quan để tháo gỡ kịp thời vướng mắc.
Về nhiệm vụ thu ngân sách tuy đạt kết quả cao so với cùng kỳ, song Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đề nghị tất cả không được chủ quan; đồng thời đề nghị ngành Thuế rà soát các khoản thu sắc thuế, các địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án đấu giá quyền sử dụng đất… Bên cạnh đó, các Sở, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ theo tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố tiếp tục thực hiện di chuyển những hộ dân đang sinh sống trong các chung cư cũ, xuống cấp, nhất là tại các quận Ngô Quyền, Lê Chân, Kiến An, Hồng Bàng; chuẩn bị kỹ nội dung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030.
Về khắc phục thiệt hại sau bão, thành phố đã chủ động, chỉ đạo kịp thời, điều chỉnh và bố trí nguồn vốn đói với các địa phương, đơn vị. Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng yêu cầu Sở, ngành, địa phương khẩn trương hơn nữa trong thống kê, đề xuất, nhất là đối với việc khắc phục các công trình hư hỏng nặng và hỗ trợ thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp.
Dự kiến, thành phố sẽ cân đối, bố trí thêm nguồn vốn, ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh Hải Phòng thực hiện cho vay vốn, ưu tiên các hộ gia đình, cá nhân trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có thiệt hại sau bão.