Doanh nghiệp - Doanh nhân

Hải Phòng: 250 doanh nghiệp trong KCN thiệt hại khoảng 1.600 tỷ đồng

Vũ Ba 03/10/2024 - 22:59

Trước những thiệt hại to lớn do bão số 3 gây ra, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã đưa ra 10 giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) bị thiệt hại, nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Ngày 3/10, theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có khoảng 250 doanh nghiệp trên tổng số 589 doanh nghiệp (chiếm khoảng hơn 40%) trong KCN bị thiệt hại sau bão với tổng số tiền dự tính khoảng 1.600 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp hạ tầng đều chịu thiệt hại do bão số 3, nhiều cây xanh bị gãy đổ, hệ thống hạ tầng, viễn thông bị ảnh hưởng.

Đến nay, các KCN đều đã cung cấp đầy đủ điện, cấp nước cho các doanh nghiệp thứ cấp, kết nối mạng ổn định. Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc khắc phục hậu quả sau bão do thời tiết, nguyên vật liệu, nhân công … nhưng các doanh nghiệp tại các KCN đã quay trở lại hoạt động sản xuất bình thường song song với việc khắc phục các hậu quả của bão. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã chung tay ủng hộ thành phố khắc phục sau bão. Một số doanh nghiệp trong các KCN đã thực hiện việc thăm hỏi, hỗ trợ các trường hợp công nhân, người lao động và gia đình chịu thiệt hại sau bão.

img_0745.jpg
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng kiểm tra, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp về thiệt hại do bão số 3 gây ra tại KCN Deep C.

Trước những thiệt hại do bão gây ra, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã nghiên cứu, đưa ra 10 giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão, nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Giải pháp thứ nhất, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã có các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp trong các KCN thực hiện kịp thời việc sửa chữa nguyên trạng các công trình bị ảnh hưởng do bão; đồng thời sẵn sàng giới thiệu các đơn vị tư vấn thiết kế có uy tín, năng lực để hỗ trợ công tác đánh giá hiện trạng, thiết kế sửa chữa, cải tạo công trình theo hình thức miễn phí.

Thứ hai, Công đoàn Khu kinh tế đã đề xuất Liên đoàn Lao động thành phố đến thăm, hỗ trợ hỗ trợ nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng sau bão, mỗi doanh nghiệp 10 triệu đồng.

Thứ 3, Ban Quản lý Khu kinh tế đã cho tạm dừng các cuộc kiểm tra giám sát đầu tư định kỳ hàng quý, kiểm tra về quy hoạch và xây dựng theo chức năng của Ban.

Thứ tư, Ban Quản lý Khu kinh tế đã tổ chức cuộc họp, có văn bản đề nghị các công ty, đơn vị bảo hiểm đẩy nhanh quá trình thẩm định và bồi thường bảo hiểm đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão; nghiên cứu, xây dựng các gói bảo hiểm phù hợp để kịp thời ứng phó với những tình huống thiên tai nguy hiểm tương tự như bão số 3 có thể xảy ra trong tương lai.

Thứ năm, Ban Quản lý Khu kinh tế đã đề nghị các công ty, đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp bị thiệt hại sau bão.

Thứ sáu, Ban Quản lý Khu kinh tế đã cung cấp các thông tin, phối hợp cùng Cục Hải Quan Hải Phòng tạo điều kiện và rút ngắn thời gian thông quan, nhập khẩu các vật tư, vật liệu, thiết bị máy móc để cung cấp cho các doanh nghiệp kịp thời sửa chữa các hạng mục công trình bị ảnh hưởng sau bão.

Thứ bảy, Ban Quản lý Khu kinh tế đã kịp thời rà soát, thống kê thiệt hại do bão của các doanh nghiệp và gửi thông tin đến các cơ quan Thuế, Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội… tại Hải Phòng để kịp thời phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ tám, Ban Quản lý Khu kinh tế rà soát, hỗ trợ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng để kịp thời đáp ứng các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gấp; kết nối giữa các doanh nghiệp đang có nhu cầu về lao động thời vụ và các doanh nghiệp đang phải dừng sản xuất thỏa thuận, ký kết tạm thời chuyển nhượng người lao động để giảm bớt chi phí chi trả lương cho người lao động, đảm bảo duy trì, ổn định lực lượng lao động.

ban-quan-ly-khu-kinh-te.jpg
Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thông tin về công tác hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do bão gây ra.

Thứ chín, Công đoàn Khu kinh tế đã có hướng dẫn về việc chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do bão số 3 và chính sách chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do bão; thực hiện trợ cấp, hỗ trợ người lao động thuộc các đối tượng nêu trên.

Thứ mười, Ban Quản lý Khu kinh tế đã chủ động rà soát các KCN có hiện tượng ngập lụt trong và đề xuất các giải pháp cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước tại đây; đề nghị các doang nghiệp chủ động hơn trong việc ứng phó với các tình huống thời tiết khắc nghiệt trong tương lai bằng một số giải pháp như: Xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng, chống thiên tai; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức; nâng cấp cơ sở hạ tầng KCN, đặc biệt là hệ thống thoát nước.

Theo báo cáo mới nhất ngày 3/10 của Văn phòng UBND TP. Hải Phòng, trên địa bàn thành phố, bão số 3 đã làm 2 người tử vong, 67 người bị thương, 1 chiến sĩ hi sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão; 11.870 nhà ở, 64 công trình quốc phòng, 603 điểm trường, 237 cơ sở y tế, 1.046 công trình văn hóa, di tích lịch sử văn hóa bị hư hạ; trên 23.300 ha diện tích lúa, trên 2.900 ha diện tích hoa màu, trên 695.000 cây cảnh, cây hoa, trên 7.100 ha diện tích rừng bị ảnh hưởng thiệt hại, trên 124.700 cây xanh gãy đổ … Tổng số tiền thiệt hại ước tính trên 12.200 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: 250 doanh nghiệp trong KCN thiệt hại khoảng 1.600 tỷ đồng