Hội nghị đã đề cập cụ thể Điều 234 “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” và Điều 244 “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” của BLHS 2015.
Trong hai ngày 11 - 12/7/2018, TANDTC phối hợp cùng Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp quốc (UNODC) và Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID GIG) đã tổ chức Hội nghị Tập huấn xét xử các tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC đến dự và chỉ đạo tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Chánh án TANDTC; các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; lãnh đạo TAND các địa phương… đại diện các tổ chức UNODC, USAID GIG, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Tổ chức Traffic tại Việt Nam, cùng đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Hội nghị lần này nhằm tạo cơ sở thực tiễn cho việc ban hành nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn xét xử tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã và nâng cao năng lực xét xử loại tội phạm này cho các Thẩm phán; kịp thời đáp ứng yêu cầu đối với công tác phòng chống loại tội phạm này, đồng thời thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã.
Để triển khai thi hành Bộ luật Hình sự, TANDTC đã ban hành Quyết định số 151/QĐ-TANDTC ngày 9/8/2017. Theo đó, bên cạnh việc đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thì việc tập huấn chuyên sâu về các nội dung mới của Bộ luật Hình sự là việc làm cần thiết và có ý nghĩa.
Theo đánh giá của các chuyên gia và các nhà hoạt động thực tiễn thì những sửa đổi, bổ sung mới sẽ khắc phục được những bất cập, hạn chế của Bộ luật Hình sự năm 1999, phần nào đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015 vẫn còn một số quy định định tính, có thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất nên cần có văn bản hướng dẫn đảm bảo áp dụng thống nhất trong xét xử.
Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cũng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của UNODC và USAID GIG đã hỗ trợ TANDTC trong việc đồng hành, hỗ trợ cùng TANDTC Việt Nam triển khai các nhiệm vụ của mình, đặc biệt là trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đề cập cụ thể Điều 234 “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” và Điều 244 “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” của BLHS 2015.
Theo đó, với những sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hóa các hành vi cấu thành tội phạm; bổ sung hành vi tàng trữ trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm; cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả” bằng các tình tiết định lượng như khối lượng, số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không tách rời sự sống để làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự; bổ sung các nhóm hành vi liên quan đến ngà voi, sừng tê giác với khối lượng cụ thể; bổ sung các tình tiết tăng nặng mới, điều chỉnh chế tài xử lý đối với tội này theo hướng nghiêm khắc hơn; bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với loại tội này.
Theo các đại biểu, những quy định tại Điều 234 và Điều 244 BLHS 2015 vẫn còn mang tính định tính, chung chung, vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng các quy định của luật. Vẫn còn những cách hiểu khác nhau dẫn đến áp dụng không thống nhất, cần phải có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Theo TS. Phạm Quý Tỵ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp thì Điều 244 quy định số lượng từng cá thể động vật hoang dã quý hiếm bị săn bắn, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán để định khung hình phạt như: Số lượng từ 3 đến 7 cá thể lớp thú; từ 7 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể động vật lớp khác (điểm d khoản 1). Tuy nhiên, trong một số vụ án bắt giữ được nhiều loài động vật có cả lớp chim, lớp thú, lớp bò sát đều dưới mức số lượng cá thể quy định trong điều luật nên gây nhiều bất cập trong công tác xét xử. Ông Tỵ nêu ví dụ: Trường hợp bắt giữ được người có hành vi buôn bán, tàng trữ 2 cá thể lớp thú, 6 cá thể lớp chim, 6 cá thể lớp bò sát nếu xử lý hành chính là không phù hợp.
Đồng quan điểm là những băn khoăn của ông Nguyễn Quang Lộc, nguyên Thẩm phán, Chánh Văn phòng TANDTC về việc quy đổi tổng số lượng cá thể hoặc tổng số lượng động vật phạm pháp như thế nào trong trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc các lớp khác nhau.