Tiêu điểm

Tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên

Đ. Việt 04/01/2024 - 13:27

Sáng 4/1, TANDTC tổ chức phiên họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập lần thứ nhất đối với dự án “Luật Tư pháp người chưa thành niên”. Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC, Phó Trưởng ban soạn thảo chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có các thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; thành viên Tổ biên tập đến từ nhiều cơ quan, bộ ngành và các đơn vị trực thuộc TANDTC.

1(2).jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC, Phó Trưởng ban soạn thảo phát biểu khai mạc phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội, TANDTC được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Triển khai Nghị quyết này, TANDTC đã tích cực tiến hành việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật. Đến nay, TANDTC đã hoàn thiện bước đầu dự thảo chi tiết Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đây là một đạo luật rất nhân văn với người chưa thành niên, nếu trình Quốc hội ban hành được đạo luật này, sẽ góp phần thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Việt Nam khi thực thi Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Đặc biệt, kết luận của Ủy ban quyền trẻ em Liên hợp quốc về báo cáo thực hiện Công ước quyền trẻ em lần thứ 5 và 6 của Việt Nam ngày 19/9/2022 tại Geneva, Thụy Sĩ đã khuyến nghị Việt Nam xem xét việc xây dựng và thông qua một đạo luật toàn diện về tư pháp trẻ em, cung cấp khuôn khổ pháp lý cho hệ thống tư pháp trẻ em.

Vì vậy, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến mong muốn các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật để đơn vị chuyên trách tổng hợp, bổ sung và trình Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC cân nhắc, quyết định các phương án thể hiện trong dự án Luật.

10.jpg
Ông Lê Thế Phúc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC giới thiệu dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Tại phiên họp, ông Lê Thế Phúc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC đã báo cáo về quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng dự án Luật và giới thiệu dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Theo đó, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 156 Điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương.

Phần thứ nhất: Những quy định chung

Chương I: Phạm vi điều chỉnh, nhiệm vụ của Luật Tư pháp người chưa thành niên (gồm 4 Điều, từ Điều 1 đến Điều 4).

Chương II: Những nguyên tắc cơ bản (gồm 14 Điều, từ Điều 5 đến Điều 18).

Chương III: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên (gồm 07 Điều, từ Điều 19 đến Điều 25).

Phần thứ hai: Xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội

Chương IV: Các biện pháp xử lý chuyển hướng (gồm 11 Điều, từ Điều 26 đến Điều 36).

Chương V: Thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng (gồm 23 Điều, từ Điều 37 đến Điều 59).

Chương VI: Thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (gồm 11 Điều, từ Điều 60 đến Điều 70).

Phần thứ ba: Biện pháp tư pháp, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên

Chương VII: Biện pháp tư pháp và hình phạt (gồm 03 mục 13 Điều, từ Điều 71 đến Điều 83).

Chương VIII: Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị buộc tội (gồm 04 mục 41 Điều, từ Điều 84 đến Điều 124).

Chương IX: Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng (gồm 16 Điều, từ Điều 124 đến Điều 139)

Phần thứ tư: Tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại

Chương X: Tái hòa nhập cộng đồng (gồm 2 mục 11 Điều, từ Điều 140 đến Điều 150)

Chương XI: Hỗ trợ bị hại (gồm 03 Điều, từ Điều 151 đến Điều 153)

Phần thứ năm: Điều khoản thi hành (gồm 03 điều từ Điều 154 đến Điều 156).

Dự thảo Luật quy định các nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp người chưa thành niên, gồm các nguyên tắc: Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; bảo đảm người chưa thanh niên được đối xử bình đẳng; bảo đảm quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; bảo đảm sự tham gia của người giám hộ, người đại diện của người chưa thành niên trong suốt quá trình tố tụng; bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên, quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch của người chưa thành niên; hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên...

dai-bieu-tham-du.jpg
Các thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật đóng góp ý kiến tại phiên họp

Đóng góp vào dự thảo Luật, đa số các thành viên Ban soạn thảo đều bày tỏ thống nhất cao đối với các nội dung trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên bảo đảm tố tụng thân thiện trong tất cả quá trình tố tụng tư pháp với nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, còn một số ý kiến cho rằng dự án Luật này có nhiều chính sách lớn lần đầu tiền được đề xuất trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Vì vậy, cần có đánh giá tổng kết toàn diện, khoa học mang tính thực tiễn để đảm bảo tính đồng bộ, tránh mâu thuẫn với các đạo luật khác đang có hiệu lực.

Ông Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đánh giá cao vai trò của TANDTC trong quá trình xây dựng dự thảo Luật rất trách nhiệm, khẩn trương, tâm huyết, khoa học thể hiện hiện qua các hội nghị, hội thảo với sự tham gia các của chuyên gia trong nước và quốc tế, góp ý đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên để nâng cao hiệu quả, công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

Đặc biệt, quan điểm xây dựng dự án Luật đảm bảo tính xuyên suốt, đúng định hướng thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp.

Trong khi đó, đại diện Bộ Tư pháp cho hay, phạm vi điều chỉnh và nội dung của dự án Luật cần cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến xử lý người chưa thành niên phạm tội, hệ thống hình phạt, thủ tục tố tụng, các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng giáo dục tại cộng đồng. Đây là dự án Luật lớn, cần có báo cáo tổng kết toàn diện của các ngành, không phải chỉ riêng của ngành Tòa án để đảm bảo tính đồng bộ và công bằng trong hệ thống pháp luật.

4.jpg
Toàn cảnh phiên họp

Kết luận phiên họp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến đánh giá cao các ý kiến góp ý trách nhiệm, thẳng thắn vào các nội dung dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Nhằm tạo nền tảng pháp lý cho việc đề xuất trong thời gian tới, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý trực tiếp bằng văn bản của các đại biểu và đề nghị đề nghị Tổ biên tập tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật bảo đảm chất lượng trong quá trình xây dựng.

Ban soạn thảo Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 13 người. Trong đó đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC làm Trưởng ban; Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến làm Phó Trưởng ban.

Các thành viên gồm: Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC.

Bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Ông Trần Hồng Hà, Thẩm phán TANDTC.

Ông Nguyễn Biên Thùy, Thẩm phán TANDTC.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Thẩm phán TANDTC.

Thiếu tướng Trần Duy Hòa, Phó Chánh án Tòa án quân sự Trung ương.

Ông Lê Thế Phúc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên